Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn hiện tượng chủ quan trong phòng, chống dịch

Nhóm phóng viên| 03/05/2020 06:34

(HNM) - Tình trạng vi phạm Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trong hai ngày nghỉ (1 và 2-5) vẫn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội. Đáng nói, đã có không ít cửa hàng không thiết yếu mở cửa kinh doanh trước 9h; nhiều người không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; còn tình trạng tập trung đông người… Điều này đã cho thấy sự chủ quan của một bộ phận nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều cửa hàng mở cửa trước 9h

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, dọc phố Trần Cung thuộc phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) các cửa hàng kim khí điện máy, sản phẩm thể dục thể thao, quần áo, bát đĩa... cùng mở hàng trước 9h. Quán nước trà đá đầu ngõ 117 Trần Cung có nhiều người ngồi uống nước sát nhau, không đeo khẩu trang. Trong khi đó, chợ “cóc” tại ngõ 120 Trần Cung đông người mua bán, không ai chú ý đến khoảng cách an toàn.

Tại quận Nam Từ Liêm, ngõ 67 Phùng Khoang, phường Trung Văn, nhiều hàng bán trà đá đông khách ngồi túm tụm để trò chuyện nhưng không ai đeo khẩu trang, bàn ghế bày lấn ra vỉa hè. Tại đoạn cuối ngõ 67, cửa hàng bán thịt gia cầm, giết mổ ngay tại chỗ vẫn tồn tại mặc dù Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh.

Ở quận Hoàn Kiếm, từ 7h25 ngày 2-5 đã có nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng gia đình, cắt kính… dọc phố Hàng Thiếc (phường Hàng Gai) mở cửa. Đáng nói, nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát ở số 39 phố Tạ Hiện, Bia Sài Gòn số 36-38 Hàng Giày (phường Hàng Buồm); phở Quỳnh, mỳ vằn thắn, sủi cảo phố Hàng Chiếu rất đông khách đến ăn nhưng không bảo đảm giãn cách theo quy định; hàng quán lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị.

Chưa đến 8h ngày 2-5, tại quận Tây Hồ cũng có nhiều cửa hàng thuộc mặt hàng không thiết yếu mở cửa hoạt động như các cửa hàng kinh doanh gas và bán vật dụng gia đình tại số 64, 66, 68 phố Nghi Tàm (phường Tứ Liên). Ngoài ra, nhiều cửa hàng ăn uống như phở bò số 40 và mỳ vằn thắn số 57 phố Xuân Diệu; mỳ xào số 1, Đặng Thai Mai (phường Quảng An) có đông khách nhưng không bảo đảm giãn cách 1m.

Trong khi đó, tại quận Hoàng Mai, dù đã có biển “Khu vực cấm họp chợ” nhưng chợ “cóc” vẫn tồn tại ở chung cư Linh Đàm. Cũng tại khu chung cư này, nhiều cửa hàng bán quần áo, đồ gia dụng, đồ trang trí… đều mở cửa trước 9h sáng. Quanh khu vực hồ Linh Đàm, buổi sáng và buổi trưa có hàng nước ngang nhiên kê rất nhiều bàn, ghế nhựa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Tương tự, ở khu vực ngoại thành, theo ghi nhận của phóng viên cũng xảy ra vi phạm quy định phòng, chống dịch ở một số nơi. Tại thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), chợ dân sinh tập trung rất đông người; nhiều người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách tối thiểu để phòng, chống dịch Covid-19.

Còn tại địa bàn các xã: Phương Trung, Dân Hòa, Thanh Mai (huyện Thanh Oai), lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường khá nhiều. Tại khu vực chợ Chuông (xã Phương Trung) xuất hiện đông người bán, mua hàng, một số người không đeo khẩu trang khi bán hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên không có bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý theo quy định...

Tiếp tục xử lý các vi phạm

Trước thực tế Báo Hànộimới phản ánh liên quan đến những hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Chinh, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, phường Hoàng Liệt đã huy động các lực lượng tăng cường tuyên truyền, tuần tra, nhắc nhở và xử lý rất quyết liệt. Tuy nhiên, do địa bàn có tới gần 9 vạn dân nên công tác quản lý có khó khăn riêng, nhất là khi vẫn còn một số trường hợp cố tình không chấp hành.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng vi phạm trên địa bàn, bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) thông tin: “Để bảo đảm kỷ cương, phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, ổn định cuộc sống nhân dân, UBND phường đã yêu cầu 100% cửa hàng kinh doanh dịch vụ ký cam kết mở cửa hoạt động trở lại phải bảo đảm các biện pháp an toàn. Tuy nhiên, một số cửa hàng kinh doanh nhỏ còn chủ quan, lơ là khi thấy nới lỏng giãn cách xã hội, nên khi vắng bóng lực lượng chức năng lại tái diễn vi phạm. Đối với những vi phạm Báo Hànộimới đã phản ánh, UBND phường sẽ giao lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt theo quy định”.

Còn bà Đỗ Thị Soan, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Địa bàn phường có 5 khu chung cư lớn lại giáp ranh với nhiều quận khác nên số lượng người sinh hoạt, làm việc, đi lại đông đúc. UBND phường đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ ngày 31-3 đến nay, phường đã xử lý 207 trường hợp vi phạm quy định chống dịch. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền và với những vi phạm Báo Hànộimới nêu, phường sẽ cử lực lượng kiểm tra, xử lý ngay.

Về vi phạm tại phố Trần Cung, ông Chu Thanh Hà, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, UBND phường đã giao lực lượng công an xử lý vi phạm tại chợ “cóc” nhằm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; xử lý người dân không đeo khẩu trang khi ra đường. Kết quả, toàn phường đã xử phạt 36 trường hợp không đeo khẩu trang. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục đến các cửa hàng, hộ kinh doanh tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân ký cam kết chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, tại hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn đang thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Tại huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, huyện Mê Linh đã tăng cường tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, tuần tra việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đối với khu vực cách ly y tế ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), UBND huyện đang xây dựng phương án để công bố kết thúc cách ly vào tối 5-5.

Còn ở xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín), phóng viên Báo Hànộimới khảo sát thực tế, ghi nhận 7 chốt kiểm soát y tế của xã vẫn được duy trì trực 24/24 giờ. Trưởng thôn Đông Cứu Phạm Văn Mến cho biết, 3 chốt kiểm soát y tế trong thôn thường xuyên duy trì 3 đến 5 người trực, 100% người dân trong thôn nghiêm túc thực hiện cách ly. Hằng ngày, lực lượng chức năng duy trì phun thuốc khử khuẩn môi trường thôn.

Thực tế cho thấy, sự chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 là rất đáng phê phán và phải chấm dứt ngay. Mỗi người dân cần có ý thức để cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn hiện tượng chủ quan trong phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.