(HNM) - Tại Hà Nội, vẫn tồn tại hiện tượng chính quyền địa phương nể nang trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đó phải chăng là vì chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ hay là cách đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên?
Chưa làm tròn chức trách
Trong cuộc làm việc của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo với huyện Sóc Sơn mới đây, lãnh đạo huyện đề nghị TP thu hồi diện tích đất rừng hơn 2.000ha đang được Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp quản lý để giao lại cho UBND huyện quản lý. Lý do đưa ra là số diện tích này chiếm phần đáng kể đất rừng, vốn là điều kiện quan trọng để Sóc Sơn xây dựng quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là lý do chính đáng và cần được xem xét.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng đưa ra một lý do khác là tình hình vi phạm pháp luật như xây dựng, chuyển nhượng đất trái phép liên quan đến diện tích đất rừng do Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp quản lý ngày càng nhiều. Nhưng vì là diện tích thuộc quyền quản lý của công ty, nên chính quyền địa phương rất khó xử lý. Nay đề nghị UBND TP bàn giao lại cho huyện quản lý để tiện việc xử lý các vi phạm. Đề nghị này xem ra không được thuyết phục. Một trong những nhiệm vụ của UBND huyện là "Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp". Như thể hiện trong báo cáo Chủ tịch UBND TP, UBND huyện Sóc Sơn đã biết có vi phạm xảy ra trên diện tích đất rừng trên địa bàn (cho dù là do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp quản lý) mà không kịp thời xử lý cũng là thiếu sót.
Ở đây, dễ nhận thấy có hiện tượng nể nang, ngại đụng chạm trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chính Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng không chấp nhận thái độ làm việc này khi khẳng định: "Quản lý nhà nước phải hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc. Công ty dù có to thế nào đi nữa, khi thực hiện xây dựng trên đất rừng, cho nước ngoài thuê rừng cũng phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Biết có vi phạm mà không xử lý là không được".
Nể nang né tránh, suy giảm kỷ cương
Ví dụ trên đây chỉ là một trong số nhiều hiện tượng chính quyền địa phương còn nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước. Điều này rất dễ nhận thấy thông qua các văn bản của UBND TP chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những vụ việc cụ thể thường xuyên của các quận, huyện, thị xã. Gần đây nhất và phổ biến nhất có thể kể đến việc vi phạm Luật Đê điều tại địa bàn một số quận, huyện; xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị... Chỉ khi lãnh đạo TP trực tiếp chỉ đạo quyết liệt thì việc thực thi quy định pháp luật tưởng chừng như rất bình thường ở cơ sở mới nghiêm túc, có kết quả. Và còn không ít trường hợp cũng chỉ vì thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cơ quan quản lý ở cơ sở mà từ vụ việc vi phạm nhỏ, dẫn đến vi phạm theo kiểu "dây chuyền" xử lý rất khó khăn như việc lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép ở nhiều quận, huyện…
Lâu nay, lãnh đạo TP luôn coi trọng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong 5-10 năm tới. Chỉ có tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong xã hội, TP mới có thể giải tỏa được hàng loạt những vấn đề bức xúc hiện nay như vi phạm trật tự an toàn giao thông; trật tự văn minh đô thị; vi phạm quy hoạch, xây dựng, kiến trúc; vi phạm quy định quản lý và sử dụng đất; lấn chiếm đất đai; vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường; vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; gian lận thương mại… Tuy nhiên, để tăng cường được kỷ cương, kỷ luật xã hội, trước hết, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước phải gương mẫu, đi đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.