Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn bất cập?

Kính Lúp| 21/03/2016 06:47

(HNM) - Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư có hiệu lực ngày 1-7-2015. Luật DN thay thế các quy định pháp luật trước đó về DN, áp dụng cho các DN không phân biệt thành phần kinh tế.

Luật Đầu tư thay thế Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000, áp dụng cho hoạt động đầu tư không phân biệt nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước. Có thể nói, đến thời điểm này các văn bản hướng dẫn thi hành hai bộ luật này cơ bản đã đủ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện tốt nhất cho NĐT, các ngành chức năng cần rà soát, xem xét và giải quyết kịp thời một số bất cập khi thực hiện, trong đó có việc khi DN đăng ký thành lập DN...

Khi đăng ký thành lập DN sẽ có yêu cầu chi tiết trong hồ sơ (tại các điều 20-23 của Luật DN). Để tránh sự lạm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh, tại Khoản 2, Điều 9, NĐ 78/2015/CP (ngày 14-9-2015) đã quy định: "Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN, hoặc DN nộp thêm hồ sơ, hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký DN theo quy định". Quy định là vậy, nhưng thực tế lại chẳng có mấy giá trị. Bởi, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ trong các tòa nhà chung cư, hay trung tâm thương mại, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) buộc NĐT phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở (yêu cầu này được hiểu là tại Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19-11-2009 của Bộ Xây dựng về việc không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng). Vì thế, vấn đề đặt ra là Sở KH-ĐT có quyền yêu cầu NĐT nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không? Đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập DN thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành khác? Vậy, Sở KH-ĐT có được quyền yêu cầu NĐT cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật DN? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở KH-ĐT sẽ vi phạm quy định của Khoản 2, Điều 9, NĐ 78/2015/CP. Song, nếu không yêu cầu thì Sở KH-ĐT lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác. Như vậy, các ngành liên quan cần hướng dẫn thêm nội dung này để NĐT lẫn cơ quan công quyền tuân thủ đúng luật định. Ngoài ra, liên quan đến việc giải quyết về giấy chứng nhận đăng ký DN và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng chưa có quy định cần điều chỉnh giấy nào trước cho hợp lý, mà các cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn áp dụng quy định tại Công văn 5122/BKHĐT-PC (ngày 24-7-2015) để xử lý điều chỉnh..., vì thế trong quá trình xử lý sẽ nảy sinh những bất cập.

Những thay đổi trong hai bộ luật nói trên được nhiều DN, NĐT đánh giá là bước đột phá trong cải cách để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hai bộ luật này có hiệu lực kết hợp cùng các nhân tố khác đã tác động tích cực đến cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam. Vậy, nhìn từ góc độ cải cách thể chế, các quy định của pháp luật điều chỉnh và tác động tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, thì các nhà làm luật cần lường trước được những bất cập nảy sinh để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng như những việc sẽ xảy ra với DN khi thi hành hai bộ luật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn bất cập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.