Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn có Người bên từng trang viết

Cao Hải Giang| 14/05/2015 06:40

(HNM) - Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích,

Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích, "Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường" (NXB Hà Nội) còn gợi mở biết bao điều thiết thực cho hành trình bên trang viết của người cầm bút hôm nay.


Cuốn sách bao gồm tư liệu, bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm cảm hứng về một nhà báo tầm vóc thế giới, người khai sáng nền báo chí cách mạng Việt Nam; tình cảm của Bác Hồ đối với báo chí cả nước, trong đó có báo chí Thủ đô. Bên cạnh đó là một số tác phẩm của Bác trên báo chí (giai đoạn 1945-1969); những bài viết thể hiện tình cảm của nhân dân và các nhà báo Thủ đô đối với Bác kính yêu, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong phần I, như tên gọi "Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam", bạn đọc thấu hiểu sự vĩ đại của Người qua những trang viết mà tác giả là các nhà báo, nhà nghiên cứu có bản lĩnh, kiến thức, vốn sống dày dặn. Có thể kể tới nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang với bài viết "Bác Hồ, tấm gương sáng về đạo đức báo chí", trong đó có những trích dẫn thể hiện quan điểm nền tảng "Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo". Hay như bài viết của nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Hà Đăng đã chỉ ra "Mấy vấn đề về công tác báo chí của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh". Mà nền báo chí đó, soi thấu từ tư tưởng của Bác thì cần "có tính tư tưởng cao, tính chân thật mẫu mực, tính nhân dân sâu sắc, tính chiến đấu mạnh mẽ, tính đa dạng sinh động và tính hiện đại không ngừng"...

Cũng trong phần I, ở chương 2, phần "Một số bài viết của Bác Hồ trên báo chí" (1945-1969) là minh chứng thuyết phục, cụ thể về những điều mà các nhà báo đã phân tích ở trên. Bạn đọc, người làm báo có thể xem như đây là phần tư liệu đặc biệt thú vị, quý giá, tiện lợi, có ý nghĩa thiết thực đối với nghề nghiệp của mình. Đọc những bài nói, bài viết của Người về một chủ đề tập trung, xâu chuỗi lại càng thấy nổi bật giá trị của lối truyền đạt tài tình của Hồ Chủ tịch. Giản dị mà sâu sắc, nghiêm túc đấy mà cũng hóm hỉnh đấy. Tin rằng sẽ không ít lần bạn đọc phải tủm tỉm, giật mình khi đọc hết những bài viết này của Người. Như bài nói tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ về kinh nghiệm học viết báo của Bác; bài "Cách viết" (Bác giảng tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-1953)...

Phần II "Nhân dân và báo chí Thủ đô với Bác Hồ" đã cho thấy "Bác Hồ trong trái tim người Hà Nội" và "Bác Hồ trong trái tim những người làm báo". Từ niềm cảm hứng, tự hào này để cảm nhận tấm gương ứng xử, lao động, làm việc, cống hiến và hoạt động báo chí mẫu mực của Người. Phần III - "Báo chí Thủ đô với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mang ý nghĩa thiết thực, tạo cơ sở cho việc tìm hiểu, thấu hiểu, học tập tư tưởng của Bác, tấm gương đạo đức của Người cũng như thực hiện cuộc vận động sao cho đúng, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, với 3 phần và 7 chương, tác phẩm giúp người xem tiếp cận được từ nhiều góc độ về cuộc đời làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấy rõ tầm vóc tư tưởng, đạo đức của Người soi chiếu qua hoạt động báo chí và đặc biệt là những giá trị cốt lõi, bài học sâu sắc và sức lan tỏa những giá trị ấy trong đời sống hôm nay. Đọc "Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường", như vẫn còn thấy đây đó, như vừa mới hôm qua hay sớm nay lời chỉ bảo của Người: "Muốn viết báo khá thì cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa cho cẩn thận..." (trích bài viết của nhà báo Lê Hoàng Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới). Rồi "Văn phong báo chí bên cạnh giản dị, dễ hiểu thì theo Bác các nhà báo cố gắng "viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc..." (theo bài viết của nhà báo Phan Quang)...

Những trang sách không thể gói trọn cuộc đời hoạt động báo chí sinh động, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, đối với mỗi nhà báo chịu tìm tòi, học hỏi thì mỗi dòng, mỗi chữ của Bác, về Bác cũng đủ gợi mở biết bao điều thiết thực cho nghề viết. Bởi vậy, tháng Năm này, với "Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường", ta vẫn thấy có Người bên từng trang viết!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn có Người bên từng trang viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.