Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn chuyện thương hiệu và đầu ra sản phẩm

Nguyễn Mai| 06/04/2010 07:26

(HNM) - Quá trình đô thị hóa ở huyện Gia Lâm đã và đang diễn ra khá nhanh. Chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nông dân ở đây vẫn đứng trước rất nhiều thách thức.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nông dân thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Khánh Nguyên


Huy động mọi nguồn lực, hình thành các vùng sản xuất
Xác định nâng cao giá trị trên diện tích canh tác là hướng đi chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã tranh thủ các nguồn lực phối hợp với một số trường, viện, trung tâm ứng dụng kỹ thuật, các nhà khoa học... tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Đặc biệt là các chương trình hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao giữa huyện Gia Lâm và Trường Đại học Nông nghiệp I; mô hình sản xuất RAT và hoa, cây cảnh ở xã Lệ Chi; mô hình sản xuất cà chua liên kết "4 nhà" ở Đặng Xá... Diện tích trồng rau các loại đã lên tới hơn 1.200ha, trong đó diện tích sản xuất RAT là 830ha, chiếm 65% (tăng 106ha so với năm 2006). Ở những vùng đất cao hạn, ruộng sâu trũng sản xuất kém hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các xã cho chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi cá.

Hiện nay, nhiều xã ở Gia Lâm đã hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa có thế mạnh như vùng RAT tập trung ở các xã vùng bãi như Đông Dư, Văn Đức, Lệ Chi, Đặng Xá; vùng lúa chất lượng cao tại Đa Tốn, Yên Thường, Trâu Quỳ, Dương Xá; vùng chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng, Trung Mầu, Duyên Hà; vùng chăn nuôi bò thịt ở Văn Đức, Lệ Chi; chăn nuôi lợn nạc ở Văn Đức; thủy sản và cây ăn quả ở Đa Tốn, Đông Dư... mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 76 dự án chuyển đổi trên diện tích 226ha theo mô hình kinh tế trang trại, cây ăn quả, cây giống, hoa cây cảnh và các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư...

Vì sao không thể mở rộng sản xuất
Theo ông Đặng Thường Phục, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm thì sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện đang đứng trước nhiều thách thức. Do ruộng đất ngày càng bị thu hẹp, lại manh mún nên nông dân gặp nhiều khó khăn khi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Một nghịch lý ở Gia Lâm là có nhiều đặc sản nhưng lại thiếu thương hiệu. Hiện nay huyện mới chỉ có 3 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu là RAT ở Đông Dư, Văn Đức, Đặng Xá. Ngoài thương hiệu sản phẩm thì "đầu ra" cho nông sản cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đa Tốn, những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào trồng ở địa phương như mô hình trồng lúa Nhật xuất khẩu. Nhưng địa phương cũng không thể mở rộng sản xuất do "đầu ra" của sản phẩm này còn rất hạn chế. Nếu sản xuất ở quy mô vừa thì bán được, nhưng mở rộng diện tích thì tiêu thụ khó khăn, trong khi khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện mối liên kết "4 nhà" (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) sẽ giúp nông dân giảm được rủi ro khi tiếp cận giống mới, song các mô hình sản xuất theo hướng nông sản hàng hóa trên địa bàn huyện chưa nhiều. Hiện nay ở Gia Lâm mới có mô hình liên kết trong trồng cà chua ở Đặng Xá chủ động được "đầu ra", còn lại hầu hết nông sản khác đều do nông dân tự tiêu thụ.

RAT là thế mạnh của Gia Lâm với diện tích 830ha, song thực tế Gia Lâm vẫn chưa khai thác được tiềm năng. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Đông Dư cho rằng: Khó khăn nhiều năm nay của địa phương là RAT vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường và giá bán thấp, nông dân không có lãi. Sản lượng rau gần 1.000 tấn/năm nhưng chỉ một phần được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và cửa hàng rau sạch, còn một lượng lớn vẫn phải tiêu thụ trôi nổi ngoài thị trường.

Trong 4 năm (2006-2009), tổng kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của huyện đạt hơn 212 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai được đặc biệt quan tâm với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp của huyện đã có bước tăng trưởng khá. Giá trị thu nhập trên diện tích canh tác năm 2006 đạt 61,1 triệu đồng/ha, tăng lên 103,9 triệu đồng/ha năm 2009.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chuyện thương hiệu và đầu ra sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.