Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu: Phạt nặng mới đủ răn đe

Hương Ly| 26/12/2015 09:00

(HNM) - 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu đã được Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ 389) quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại phát hiện, bắt giữ trong năm 2015.

Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc lá. Ảnh: Nguyễn Huế


Hơn 6.000 đối tượng vi phạm đã bị bắt giữ với 10,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại bị tịch thu. Mặc dù số vụ vi phạm bị bắt giữ đã tăng mạnh so với cùng kỳ, song hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu trên các địa bàn vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận thu được từ buôn lậu thuốc lá rất lớn.

Thất thu 6.000 tỷ đồng mỗi năm vì thuốc lá lậu

Theo đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2014, trước thời điểm ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, thuốc lá lậu chiếm 24% thị trường tiêu thụ thuốc lá trong nước, làm mất khoảng 50.000 ngày công lao động, thất thu 6.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Đại diện BCĐ 389 quốc gia cho biết, trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước. Hoạt động này đã hình thành các đường dây, ổ nhóm có tổ chức rất chặt chẽ, có sự móc nối của các đối tượng ngay ở khu vực biên giới và trong nội địa. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vẫn là lợi dụng địa hình biên giới có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt thuận lợi cho việc qua lại, lôi kéo một bộ phận cư dân biên giới không có việc làm vận chuyển hàng lậu.

Các đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu phần lớn là cư dân biên giới thông thạo địa bàn, sử dụng phương tiện xe máy, xuồng máy, ghe máy công suất lớn chạy với tốc độ cao hoặc xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều lần từ bên kia biên giới qua khu vực cánh gà, đường mòn khu vực cửa khẩu, qua sông, kênh, rạch… vào nội địa. Mỗi lần, các đối tượng chỉ vận chuyển dưới 1.500 bao nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để vận chuyển trót lọt hàng lậu, các đối tượng còn tổ chức đội quân canh gác, cảnh giới rất chặt chẽ, giám sát hoạt động của các lực lượng chức năng nhằm trốn tránh, tẩu tán tang vật khi bị phát hiện. Ở địa bàn nội địa, thuốc lá lậu được bán công khai tại các đại lý, cửa hàng, nhà hàng, quán nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp.

Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau một thời gian triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các lực lượng chức năng của BCĐ 389 quốc gia đã xác lập kế hoạch, chuyên án nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Bắt giữ, xử lý nghiêm sai phạm

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá vừa diễn ra ngày 23-12, tại TP Hồ Chí Minh. Thống kê của BCĐ 389 quốc gia cho thấy, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg, tình hình buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá lậu đã có chuyển biến tích cực.

Tính từ ngày 1-10-2014 đến ngày 1-10-2015, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, hơn 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu 10,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại (tăng 19% so với cùng kỳ 2014). Các lực lượng chức năng đã khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng công an bắt giữ trên 6,5 triệu bao; Bộ đội Biên phòng bắt giữ hơn 1 triệu bao và hơn 16.000kg lá thuốc lá; Bộ Tư lệnh cảnh sát biển bắt giữ hơn 100 nghìn bao; Lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ trên 1,4 triệu bao; Hải quan trên 700 nghìn bao.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, hoạt động buôn lậu thuốc lá hiện tập trung và diễn biến phức tạp tại các địa bàn, như Long An, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Ninh... Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tình hình vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu trên các địa bàn tuy có giảm nhưng vẫn còn rất phức tạp, do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và nhu cầu tiêu thụ cũng như lợi nhuận thuốc lá lậu còn rất lớn. Trong khi đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá còn tồn tại nhiều bất cập do sự phối hợp giữa các lực lượng, nguồn nhân lực và các cơ chế, chính sách liên quan còn một số vướng mắc.

Đánh giá cao các kết quả đã đạt được sau một năm triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc thực hiện chỉ thị này đã làm thay đổi được tư tưởng, nhận thức của các cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông và sự ra quân đồng loạt của các lực lượng chức năng đã góp phần đem lại kết quả khả quan cho công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Thời gian tới, tình trạng buôn lậu thuốc lá sẽ còn diễn biễn phức tạp do việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng phải chủ động, quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Đặc biệt, cần đưa ra xét xử công khai một số vụ buôn lậu thuốc lá lớn để răn đe các đối tượng vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu: Phạt nặng mới đủ răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.