(HNM) - Tháng 6, nghe chuyện người Trung Quốc thu mua nông sản ở ta mà não lòng. Xin chưa bàn đến việc thu mua tận lực, chỉ trông vào cái cách mua, nhiều khi là thông qua thương lái người Việt, đã đáng nghĩ hơn nhiều.
Ở một số nơi, với một số mặt hàng, sự thu mua gần như bao tiêu, nghĩa là liên quan mật thiết đến khả năng ép giá. Đến mức nào đó, cách thức này có thể quyết định sự thắng thua, giàu nghèo của nông dân, thậm chí là tác động đến đời sống trên diện rộng. Tháng trước, chẳng phải cái sự "thâu tóm" là một phần nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn tăng chóng mặt đó sao!
Sang tháng 7, vẫn lại chuyện cũ. Vải thiều vào độ chín. Vùng Lục Ngạn trên trời dưới vải đỏ mọng, dân chưa kịp mừng được mùa đã mải miết lo tiêu thụ, bao công chăm bẵm giờ bán chậm là "chết" ngay. Tiếc nỗi, cái sự âu lo ấy có giải tỏa nổi không khó trông nhờ vào "người nhà", như Tổng Công ty Xuất khẩu nông sản - thực phẩm Bắc Giang, mà phần nhiều phụ thuộc vào tư thương. Thương lái Trung Quốc vào tận nơi thu mua, trả lời phỏng vấn truyền hình bằng tiếng Việt "ngon ơ", rằng thấy bán thì mua. Mà vào tận vùng nguyên liệu thì tất nhiên là mua được rẻ, bởi vải đã lìa cành rồi thì không bán nhanh là khác chi đồ bỏ. Thế là bán, đắt rẻ gì còn hơn gánh rủi ro.
Trên bờ là vậy, dưới nước thì nhiều nơi cũng không khá hơn. Tuần trước, ở một làng biển Quảng Bình, đúng kỳ ngư dân đi khơi cập bờ "nghỉ trăng", xả hàng, bao nhiêu hải sản ngon ngọt trong đêm được ướp đá rồi theo xe lên biên giới phía Bắc. Một thuyền trưởng nói: "Đi biển mệt lắm. Thú thật là đánh bắt được gì ngon là thủy thủ dùng, chứ vào bờ thì chẳng có mấy hàng ngon mà ăn, đi Trung Quốc hết cả rồi".
Việc nước ngoài thu mua nông sản ở ta, ở góc độ nào đó mang ý nghĩa tích cực, nhưng không khéo, tức là không quản lý được hoạt động thương mại nước ngoài ở Việt Nam thì nông dân dễ chịu thiệt, nhà sản xuất trong nước dễ lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu, không có hàng để xuất khẩu, đời sống xã hội có cơ bị ảnh hưởng xấu. Chuyện không phải mới. Trước nay đã rõ chuyện ta bị ép giá nhiều mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng tiểu ngạch, từ cao su, cà phê đến dưa hấu, khoai lang tím… Phía nước ngoài ì xèo, chậm nhận hàng, chậm mua vài ngày là đổ đi không ít tiền bến bãi, lưu kho, lưu xe và nông sản thối rữa…
Điều gì sẽ xảy ra nếu thương lái nước ngoài đột ngột dừng nhập loại hàng mà họ vẫn bao tiêu? Đây mới chính là cái khóa của thương lái!
Hiện tượng là vậy, chỉ buồn là doanh nghiệp trong nước không thể làm trọn trọng trách. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân khá lỏng lẻo, không đủ độ để trông cậy ở nhau. Sao thương lái nước ngoài đặt được hệ thống thu mua đến tận cấp huyện, xã ở vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp trong nước lại bỏ bê? Có phải do cách làm ăn manh mún hiện nay đi liền với rủi ro mà doanh nghiệp ngại bao tiêu sản phẩm lâu dài đối với nông dân? Có phải do ngành công nghiệp chế biến ở ta còn thiếu năng lực cạnh tranh?
Điều gì khiến cho doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, khiến đầu vào và đầu ra của hai phía đều ở tình trạng bấp bênh, để thương lái nước ngoài dễ bề lợi dụng? Tại sao rộ lên chuyện thương lái nước ngoài núp bóng người trong nước thuê đất trồng trọt mà doanh nghiệp trong nước không thể hợp tác dài hạn với nông dân?...
Đã đến lúc chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, thấy lợi ích trước mắt mà quên mối lợi lâu dài. Mà muốn đạt được điều đó thì cần phải có cơ chế, chính sách đủ mức thúc đẩy doanh nghiệp tới gần người trồng cấy hơn, đủ để hình thành sự gắn bó về mặt lợi ích lâu dài. Nếu không, ta vẫn sẽ thua ngay trên sân nhà trước thương lái nước ngoài, có khi chỉ vì một chiêu thức đơn giản là "tiền tươi, thóc thật".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.