(HNMO)- Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra giữa tàu hoả và xe khách tại Thường Tín, Hà Nội vào chiều 30/3 khiến 9 người thiệt mạng, một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm nguy thường xuyên rình rập tại các “điểm đen” giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt nước ta.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt Việt Nam cho biết, Luật Đường sắt và Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ với người điều khiển phương tiện đường bộ đi qua đường sắt phải chấp hành tín hiệu của gác chắn. Tại những điểm giao cắt không có gác chắn thì người điều khiển phải chấp hành tín hiệu của đường ngang.
Trong trường hợp không có cả gác chắn và tín hiệu đường ngang thì người điều khiển các phương tiện giao thông phải quan sát tàu hỏa ở cả hai phía và phải chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân và người khác. Tuy nhiên, Luật đường sắt và điều lệ đường ngang hiện chưa có chế tài xử phạt lái xe cố tình vượt tàu hoả.
Trong thực tế nhiều trường hợp điều khiển ô tô, xe máy khi qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt thường không quan sát. Nhiều người còn liều lĩnh tới mức khi nhìn thấy tàu đang đến nhưng vẫn cố tình vượt. Tình trạng lái xe uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu cùng với ý thức tham gia giao thông quá kém là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông kinh hoàng như vừa xảy ra.
Được biết, hiện Đường sắt Việt Nam chia làm 5 tuyến chính, tổng chiều dài 3.172km trong đó đường sắt chính tuyến là 2.682km đi qua 33 tỉnh thành. Cũng từ tuyến chính này phát sinh ra 1.542 đường ngang có điểm giao cắt, rào chắn hợp pháp và 4.725 đường ngang bất hợp pháp.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt thương tâm khiến 9 người thiệt mạng vào chiều 30/3 |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.