Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn chỉ là kỳ vọng

Thế Dũng| 08/10/2011 06:46

(HNM) - Phần mềm mã nguồn mở (PMMNM) được cho là lối "thoát hiểm" của Việt Nam trong tiến trình hội nhập thế giới công nghệ số đang phát triển rất nhanh hiện nay. Tuy nhiên, sự quan tâm đến PMMNM dường như mới thể hiện trên chính sách chứ chưa đi vào đời sống.

Triển khai thiếu đồng bộ

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, ứng dụng, phát triển PMMNM giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiết giảm được tổng chi phí dành cho việc mua bản quyền phần mềm, nâng cao tính bảo mật, hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm nội địa... Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã coi PMMNM là công cụ để họ tránh bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Ví dụ: Chính phủ Đức đã cấm dùng các sản phẩm của Microsoft trong các hệ thống máy tính "nhạy cảm" và thay vào đó là xây dựng hệ thống chính phủ điện tử bằng PMMNM. Hay như nước Mỹ có tới 90% máy chủ tên miền, 70% máy chủ thư điện tử và 60% máy chủ web đã dùng PMMNM... Riêng với các dòng điện thoại di động thế hệ mới hiện nay, việc ứng dụng PMMNM được các nhà sản xuất ưu tiên hàng đầu.

Xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm mã nguồn mở đang được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp giảm tối đa kinh phí bản quyền.

Xu hướng ứng dụng, phát triển PMMNM ở Việt Nam đã có cách đây khá lâu, trong đó những sản phẩm như: bộ phần mềm văn phòng nguồn mở Open Office, bộ gõ tiếng Việt Unikey... đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng. Tuy nhiên, việc phát triển, ứng dụng PMMNM đến nay vẫn hết sức manh mún trong khi lợi ích đã thấy rõ.

TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT)) cho biết, ở cấp địa phương đã có 7.356 người được đào tạo sử dụng PMMNM. Cả nước cũng có 21 tỉnh, thành triển khai cài đặt bộ phần mềm văn phòng OpenOffice và hệ điều hành Ubuntu vào tác nghiệp. Nhưng, đáng lưu ý là, những nơi triển khai mạnh PMMNM không phải các thành phố lớn có vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn mà lại là các tỉnh Bắc Giang, Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Định... Ví như, tỉnh Bắc Giang đã có 16 cơ quan nhà nước sử dụng trang thông tin điện tử được xây dựng trên nền nguồn mở Joomla và một số sở, huyện sử dụng phần mềm một cửa điện tử xây dựng trên nền nguồn mở Drupal.

Còn nhiều rào cản

Tại hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMMNM" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, các chuyên gia cho rằng, PMMNM chưa có chỗ đứng ở Việt Nam vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng "nói một đằng, làm một nẻo".

Theo TS Nguyễn Thanh Tuyên, hạn chế lớn nhất trong ứng dụng, phát triển PMMNM ở nước ta chính là chưa có sự đồng bộ giữa việc cài đặt, đào tạo và sử dụng. Các bộ, địa phương còn e dè, chưa dám lựa chọn các giải pháp nguồn mở trong những dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị mình. Các trường ĐH, CĐ cũng ít đào tạo về PMMNM trong khi các chương trình đào tạo tin học A, B, C chỉ sử dụng các phần mềm thương mại nguồn đóng. Chương trình đào tạo và thi tin học đối với cán bộ công chức của các cơ quan hành chính chưa có nội dung nào nói đến PMMNM. "Dù có được đào tạo nhưng khi xin việc lại không ứng dụng thì chẳng ai học. Ngoài ra, thói quen sử dụng phần mềm lậu trong khi vấn đề quản lý bản quyền còn lơ là khiến PMMNM ít có điều kiện phát triển" - ông Tuyên nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin bổ sung thêm: Giai đoạn 2009-2012, các địa phương sẽ được duyệt 700 triệu đồng/năm, trong đó ngân sách Trung ương chi một nửa để triển khai sử dụng PMMNM. Chưa kể việc ngành tài chính còn cắt giảm nguồn kinh phí này vì cho rằng đó là khoản đầu tư công thì sẽ rất khó khăn để phát triển PMMNM. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc Công ty Phần mềm iSolutions) cho biết, Việt Nam hiện chưa có thị trường PMMNM do đơn hàng hầu như không có.

Theo đánh giá của ông Đoàn Việt Hưng (Khoa Khoa học và máy tính - ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), cộng đồng người dùng hiện không có thông tin đầy đủ để nhìn nhận chính xác những lợi ích của PMMNM. Tìm kiếm ngay trong các sở thông tin - truyền thông, cũng không thấy đơn vị nào là điển hình về ứng dụng PMMNM để làm gương. Việc triển khai PMMNM thường tự phát, phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, sự hiểu biết của người lãnh đạo.

Thực trạng chính sách về PMMNM cũng đang gây nhiều băn khoăn. Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn nêu ví dụ cụ thể: Thông tư 41/2009/TT-BTTTT ban hành danh mục PMMNM đáp ứng yêu cầu sử dụng trong các cơ quan nhà nước như: hệ điều hành Ubuntu, ứng dụng văn phòng OpenOffice, trình duyệt FireFox, bộ gõ Unikey... có tính áp đặt. Trong khi, kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh cho thấy, mọi quy trình, biểu mẫu, báo cáo đều phải "động" để dễ theo kịp quá trình thay đổi liên tục của cải cách hành chính...

Xu thế phát triển PMMNM đang ngày càng rầm rộ trên thế giới. Việc sớm có những chính sách phù hợp với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nếu không được triển khai thì câu chuyện nhân rộng ứng dụng, phát triển PMMNM ở Việt Nam sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mức "kỳ vọng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chỉ là kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.