(HNM) - Thời gian gần đây, những thông tin về thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật. Trong đó có thông tin về các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, còn 17-19%/năm từ đầu tháng 9.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất chỉ có thể thực hiện hiệu quả được trên nền tài khóa "thắt chặt", chứ không phải dồn gánh nặng lên chính sách tiền tệ... Bởi "gốc" của lạm phát ở nước ta là những bất cập về cơ cấu kinh tế, trong đó thâm hụt ngân sách cao, hiệu quả đầu tư công thấp... là nguyên nhân cơ bản. Với vai trò của mình, NHNN buộc phải để cho chính sách tiền tệ "chạy" theo chính sách tài khóa nhằm phục vụ cho nhu cầu ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, chính sách tài khóa mở rộng vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế là nguyên nhân chính gây nên lạm phát cao chứ không phải hoàn toàn do chính sách tiền tệ. Vì thế, để kiềm chế lạm phát, chính sách tài khóa buộc phải "thắt chặt" như đã từng được "mở rộng". Chừng nào chính sách tài khóa vẫn chưa "thắt chặt", việc "thắt chặt" chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất cũng chỉ là hình thức, mà như vậy việc giảm lãi suất sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu chính sách tài khóa không được "thắt chặt", việc "thắt chặt" chính sách tiền tệ cũng không mấy ý nghĩa trong mục tiêu kiềm chế lạm phát. Bởi như vậy không chỉ làm triệt tiêu tính hiệu lực của chính sách tiền tệ mà còn làm hao tổn nguồn lực nền kinh tế, gây bất lợi mang tính chu kỳ trên thị trường tiền tệ, như chạy đua lãi suất, áp lực tỷ giá…
Giảm lãi suất cho vay để gỡ khó cho các DN thiếu vốn sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Song, cần phải có liệu pháp đúng chứ không thể nhầm lẫn chính sách và công cụ; không nên đồng nhất việc giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng với giảm lãi suất để giảm lạm phát. Lạm phát cao, đương nhiên phải "thắt chặt" tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, với một cơ chế điều hành tỷ giá còn cứng nhắc, trong khi phải lo thanh khoản và ổn định cho hệ thống ngân hàng, tính hiệu lực của chính sách tiền tệ trong việc bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN là rất khó khăn. Chính sách tài khóa thì ngược lại, trong khi "dư địa" để chính sách này "bung ra" không còn, việc "co lại" để vừa giúp kiềm chế lạm phát, vừa tạo "dư địa" cho nhu cầu và khả năng mở rộng hơn trong tương lai là rất cần thiết. Vì thế, nên giảm lãi suất bằng chính sách tài khóa.
Đã hơn 7 tháng kể từ khi Nghị quyết 11/CP của Chính phủ được ban hành, đã đến lúc cần đánh giá tình hình cắt giảm đầu tư công, để kịp thời có những biện pháp điều chỉnh, giám sát và tạo cơ chế khuyến khích phù hợp. Đặc biệt, cần sớm làm lành mạnh hóa nền tài khóa, có như vậy mới hy vọng nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.