(HNMO) - Bóng chuyền Việt Nam sau 7 năm lên chuyên nghiệp vẫn chưa dứt câu hỏi về việc nên hay không nên sử dụng cầu thủ ngoại. Thực tế, vấn đề này cần được nhìn nhận thông thoáng và toàn cục.
Wanchai- cầu thủ người Thái Lan khiến giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. |
1. 7 năm trước, khi các trận đấu tại giải vô địch bóng chuyền quốc gia rơi vào cảnh nhàm chán thì dự thảo cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại đã được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (LĐBC VN) đưa ra. Trước đó, bóng đá Việt Nam đã đạt được hiệu quả ban đầu với việc thuê cầu thủ ngoại nên các nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam không thể ngồi yên. Tổng thư ký LĐBC VN lúc đó - ông Hà Mạnh Thư đã rất ủng hộ giải pháp này. Trước khi quyết định cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại, một Hội thảo về cho phép thuê hay không thuê cầu thủ ngoại đã được tổ chức. Ngay lúc đó, không ít ý kiến phản đối và cũng có nhiều ý kiến đồng tình. Người phản đối sợ rằng việc nhăm nhăm thuê cầu thủ ngoại sẽ làm công tác đào tạo trẻ càng không được chú ý, nhân tài cho bóng chuyền Việt Nam ngày càng khan hiếm. Người đồng tình lại cho rằng có cầu thủ ngoại thì chất lượng giải đấu nâng lên, cầu thủ Việt Nam được học hỏi cọ xát với nhưng người có trình độ cao, các CLB cũng bớt trì trệ trong công tác đào tạo khi chỉ nhăm nhăm sử dụng những cầu thủ lớn tuổi, các doanh nghiệp cũng sẽ hào hứng đầu tư cho bóng chuyền hơn. Cuối cùng quyết định cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại vẫn được đưa ra. Lúc đầu là mỗi CLB được thuê 3 cầu thủ và đưa tối đa 2 cầu thủ vào sân. Đến năm 2009, quy định về số lượng cầu ngoại được siết lại còn thuê 2 và đưa vào thi đấu 1 người.
2. Trong thời gian diễn ra vòng 1, giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, LĐBC VN tiếp tục tổ chức gặp mặt các CLB để bàn về vấn đề ngoại binh. Những ý kiến trái chiều như hội thảo cách đây 7 năm lại xuất hiện. Có khác là thực tế việc thuê ngoại binh đã được kiểm nghiệm. Theo đó, nhiều CLB đã lên ngôi cao nhờ tìm được những ngoại binh ưng ý, cầu thủ nội học hỏi được nhiều và đương nhiên giải đấu được chú ý, nhiều doanh nghiệp đến với bóng chuyền. Cũng từ thực tế của bóng đá, bóng chuyền, những môn thể thao đối kháng có tính đồng đội khác (như các nội dung đôi, đồng đội của cầu lông, bóng bàn…) rồi có lúc phải tính tới giải pháp này. Tất nhiên mặt trái của thuê ngoại binh cũng có, từ việc các CLB thuê phải ngoại binh chất lượng kém, đến việc các CLB vung tiền vô tội vạ để săn ngoại binh từ đó khiến thị trường chuyển nhượng trở nên khó kiểm soát. Nhưng đấy là điều phải chấp nhận khi người ta đi theo hướng chuyên nghiệp.
3. Thế nên, thật khó để nói “không” với cầu thủ ngoại trong các giải đấu bóng chuyền hiện nay. Vấn đề là phải thích nghi, điều chỉnh thế nào cho phù hợp với tình hình. Việc hạn chế đăng ký thi đấu số cầu thủ ngoại từ 3 xuống 2 vào năm 2009 cũng là bước cải tiến. Và nếu cần, để lấy thêm suất cho cầu thủ nội, có thể hạn chế số cầu thủ ngoại được đăng ký thi đấu xuống còn 1 suất và đương nhiên cầu thủ ngoại đó được vào sân thi đấu. Hiện tại, chỉ một cầu thủ ngoại được thi đấu trên sân là phù hợp nên có lẽ cũng không đến mức nói “không” với cầu thủ ngoại.
Vòng 1 giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc đã kết thúc. 4 đội nam (Long An, Sacombank Biên phòng, Sanest Khánh Hòa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cùng 4 đội nữ (Thông tin LienvietBank, VTV Bình Điền Long An, PVOil Thái Bình, Ngân hàng Công thương) là những cái tên xuất sắc sẽ dự Cúp Hùng Vương tại Phú Thọ từ ngày 12 đến 15-4. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.