(HNM) - Gạt bỏ mối nghi ngại từ nhiều chuyên gia kinh tế về hiệu quả của gói kích thích kinh tế mới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 3-11 đã chính thức công bố kế hoạch mua trái phiếu khổng lồ trị giá 600 tỷ USD nhằm đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
FED hy vọng gói kích thích mới sẽ giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 9,6% tại Mỹ. |
Với khoản chi khoảng 75 tỷ USD mỗi tháng kéo dài đến hết tháng 6-2011, cùng chương trình tái đầu tư thêm 250-300 tỷ USD trái phiếu kho bạc từ lợi nhuận của các khoản đầu tư trước đó, tương đương 35 tỷ USD/tháng, FED hy vọng sẽ đạt được mục tiêu lạm phát trong dài hạn từ 1,7% đến 2%. Đây là điều cần thiết để mang đến sự ổn định đối với thị trường việc làm và bình ổn giá cả theo "đề bài" mà các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra. Nhanh chóng tiếp sức cho đà hồi phục được nhìn nhận là yếu ớt của kinh tế, 86% trái phiếu được mua từ Bộ Tài chính Mỹ sẽ tập trung chủ yếu vào thời hạn từ 2,5 đến 10 năm. Định chế kinh tế có ảnh hưởng bậc nhất thế giới cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh những chi tiết của gói hỗ trợ kinh tế cho phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất và thúc đẩy tăng trưởng.
Trái với những chờ đợi trong tinh thần lạc quan của gói kích thích từng được xem như một diệu kế mà FED đã tung ra hồi năm ngoái, chương trình của Chủ tịch FED Ben Bernanky lần này lại là tâm điểm của sự tranh cãi gay gắt theo hướng trái ngược nhau. Nghi ngờ khả năng thành công của kế hoạch kích thích kinh tế lần hai, nhiều nhà kinh tế cho rằng biện pháp mới tiềm ẩn nhiều rủi ro trong dài hạn, có thể không phát huy tác dụng hoặc thậm chí làm phồng lên bong bóng tài sản và lạm phát tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Nhiều công ty kinh doanh trái phiếu thể hiện sự lo lắng với thực tế vòng mua sắm tài sản mới có thể sẽ khiến nguồn cung trái phiếu hạn chế và tạo sự gián đoạn nguy hiểm tới thị trường. Sự chỉ trích tập trung vào lập luận những vết thương của nền kinh tế Mỹ cần nhiều phương cách hơn liều thuốc nới lỏng định lượng đang được áp dụng đơn độc. Quan ngại này có cơ sở khi về bản chất càng áp dụng liên tục và ồ ạt việc in thêm tiền như một phần trong chính sách giảm lãi suất dài hạn, thì giải pháp này càng ít công hiệu, thậm chí còn có thể phản tác dụng.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trong bối cảnh đã duy trì tỷ lệ lãi suất gần 0% và bơm 1,7 nghìn tỷ USD mua trái phiếu mà không thể giải quyết được những vấn đề làm chao đảo nền kinh tế Mỹ, FED không có nhiều sự lựa chọn. Cơn bệnh giảm phát hiện còn đáng lo ngại hơn lạm phát khi theo FED tính toán, không tính giá thực phẩm và năng lượng, so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vẫn ì ạch ở mức 1,2% trong tháng 9-2010, mức thấp nhất từ năm 2001. Do vậy, trong vai trò điều phối nền kinh tế Mỹ, cơ quan này không thể nghe theo lời khuyên để các thị trường tự điều tiết vì điều đó rất có thể sẽ biến sự hồi phục mong manh hiện nay thành sự tụt hậu kéo dài. Song, FED tin tưởng với ván bài khá mạo hiểm này, bước nhảy lớn trong bảng cân đối của FED ít nhất sẽ có thể khiến nhiều người Mỹ thoát khỏi các khoản nợ nần và gia tăng tiêu dùng.
Những tác động của kế hoạch kích thích lần hai đã lập tức có ảnh hưởng. Thị trường tiền tệ, chứng khoán toàn cầu cũng như hàng hóa cơ bản biến động đúng như dự báo vào ngày 4-11. Khuyến cáo chính sách của FED có nguy cơ dẫn đến việc nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi đồng USD, đang được giao dịch ở mức gần thấp nhất trong vòng 9 tháng trở lại so với đồng euro, khi 1 euro ăn 1,42 USD. Theo một cách thức khác, nhà đầu tư hứng khởi với quy mô chương trình mua trái phiếu mới của FED cao hơn kỳ vọng 500 tỷ USD khiến chỉ số Dow Jones tăng 26,41 điểm (+0,24%) lên 11.215,13 điểm, mức cao nhất trong vòng 2 năm. Trong khi đó, giá cổ phiếu châu Âu và châu Á cũng đồng loạt đi lên. Thị trường năng lượng khởi sắc nhanh chóng do bất ngờ lên đỉnh của 6 tháng, ấn định các hợp đồng ở mức 84,69 USD/thùng, tăng 79 xen so với giá đóng cửa ngày 3-11.
Cho đến thời điểm này, quyết định mới của FED đang mang đến những xem xét thận trọng về chính sách tại những quốc gia mới nổi do gần như chắc chắn, việc nới lỏng tiền tệ sẽ tạo nên một làn sóng vốn nóng đổ vào các thị trường đang trỗi dậy. Bằng mọi giá để chống lại rủi ro này, có khả năng dẫn tới việc ban hành các chính sách bảo hộ là dấu hiệu không tốt cho đà hồi phục của nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, khi tất cả các thách thức mới chỉ là mối nguy hiểm tiềm tàng, dư luận vẫn hy vọng kế hoạch mua tài sản táo bạo của FED sẽ làm sống dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới, yếu tố quan trọng cho sự ổn định toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.