(HNM) - Các hợp tác xã (HTX) là lựa chọn tốt nhất giữ vai trò cầu nối thực hiện các dịch vụ từ khâu sản xuất đến khi chuyển lúa về kho là mô hình ưu việt mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lựa chọn và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thực hiện khi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Ba mô hình nổi bật
Tại buổi hội thảo "Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo" diễn ra ngày 17-9 tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, hiện có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa DN và nông dân, trong đó có ba mô hình nổi bật: DN đầu tư tất cả đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; DN đầu tư giống rồi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; DN đặt hàng rồi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. |
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, công ty này đang liên kết sản xuất lúa gạo theo phương thức đầu tư tất cả đầu vào và bao tiêu đầu ra. Mô hình này rất hiệu quả, nhiều nông dân tham gia nên từ 3.000ha năm 2010-2011, hiện diện tích liên kết đã tăng lên thành 9.000ha. Tuy nhiên, khó khăn của mô hình này là công ty không đủ khả năng cung cấp giống, vật tư đầu vào nếu mở rộng thêm diện tích, không đủ nhân sự khi vào mùa vụ, đặc biệt là không đủ thiết bị sấy lớn nếu sản lượng tăng nhiều. Vì vậy, Angimex đề xuất một mô hình liên kết mới, theo đó đầu vào sẽ có ba chủ thể cùng tham gia, gồm: Angimex cung ứng lúa giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, bên cạnh đó là ngân hàng cung ứng vốn và các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp. Theo ông Tiến, có cả ba chủ thể cùng tham gia thì mới đủ năng lực phát triển liên kết sản xuất lúa gạo trên diện tích rộng.
Bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà cho biết, công ty này thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm của 200ha ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) từ vụ hè thu 2011 và hiện đã tăng lên 2.200ha. Phương thức thực hiện là thông qua các tổ hợp tác và HTX chứ không ký hợp đồng với nông dân. Công ty cũng không cung cấp giống và vật tư nông nghiệp mà chỉ ứng vốn bằng tiền và đưa ra yêu cầu về giống, chất lượng, số lượng và cam kết bao tiêu sản phẩm nếu các chỉ tiêu đúng như hợp đồng. DN này còn cam kết mua lúa với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg và tăng thêm 10 đồng/kg để HTX lấy chi phí điều hành. Theo bà Hà, việc "giao" cho HTX sẽ "nhẹ gánh" cho DN vì DN không đủ nhân lực và kỹ thuật để thực hiện.
Khó khăn chung của các DN thực hiện liên kết là thiếu nhân sự để thu mua, tiếp nhận, vận chuyển lúa. Xác định giá thu mua với nông dân vào thời điểm thu hoạch là khó khăn lớn mà DN nào cũng gặp, bên cạnh đó là thiếu kho sấy vì phải đầu tư rất lớn.
Chọn mô hình thông qua HTX
Theo ông Trương Thanh Phong, mỗi mô hình đều có ưu, khuyết điểm. Mô hình DN đầu tư tất cả đầu vào và bao tiêu đầu ra có nhiều ưu điểm nhưng DN không đủ vốn đầu tư, vì vậy mô hình DN đặt hàng rồi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là lựa chọn tốt. Hiện VFA vẫn tiếp tục cho DN khảo nghiệm để chọn mô hình liên kết bền vững, mang lại lợi ích hài hòa cho cả nông dân và DN. Từ vụ đông xuân tới, DN nào đã có liên kết thì tiếp tục triển khai, DN chưa có thì chọn từ một đến hai mô hình với diện tích ít nhất 200ha, trung bình 400-500ha để triển khai liên kết.
Cũng theo ông Phong, qua bàn bạc và thực tế hoạt động của hội viên VFA cho thấy, liên kết tốt nhất là thông qua HTX, tổ sản xuất. HTX sẽ hạn chế nhược điểm là mỗi nông dân có diện tích nhỏ, khó tập hợp, bên cạnh đó HTX sẽ thực hiện tất cả những dịch vụ giữa nông dân và DN từ đầu vào sản xuất, thu hoạch cho đến khi lúa vào kho và cả thu tiền về cho xã viên. Vì vậy, VFA đã thống nhất trong vụ đông xuân tới, các hội viên VFA sẽ thực hiện ký hợp đồng liên kết với đại diện của nông dân là HTX hoặc tổ, đội sản xuất. Trước mắt, chọn những nơi có sẵn HTX, tổ, đội sản xuất để thực hiện và qua vụ đông xuân sẽ sơ kết để mở rộng mô hình theo hướng bền vững.
PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 1,9 triệu héc ta diện tích canh tác lúa. Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 80.000ha được các DN thực hiện liên kết và theo định hướng thì sẽ có khoảng 1 triệu héc ta sẽ thực hiện liên kết trong tương lai. Ông Dư đánh giá, có nhiều mô hình đang thực hiện tốt nhưng cần chọn mô hình để nhiều công ty có thể thực hiện và đầu tư từng bước cho thật hoàn chỉnh trên quy mô khoảng 10.000ha. Liên kết cánh đồng mẫu lớn có thành công hay không thì 90% trách nhiệm thuộc về VFA, vì đây là đơn vị xuất khẩu gạo, quy tụ nhiều DN lớn. Ông Dư đề nghị VFA hướng dẫn DN xác định cho được vùng nguyên liệu, xây dựng bảng tiêu chí đặt hàng thật cụ thể với nông dân. Về hệ thống sấy, đề nghị các DN cùng tìm hiểu, điều tra hệ thống sấy mà nông dân và DN hiện có, khi có số liệu Cục sẽ tìm cách hỗ trợ. Bên cạnh đó, Cục sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn cho nông dân và những DN có hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu để tạo liên kết bền vững, nâng giá trị hạt gạo và nâng cao thu nhập cho đời sống nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.