(HNM) - Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2020" được ban hành vào thời điểm kinh tế của Hà Nội và cả nước vô cùng khó khăn, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Tuy nhiên với quyết tâm chính trị lớn, chưa đầy một năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã có 160 DN ngoài khu vực nhà nước thành lập tổ chức cơ sở Đảng và gần 400 tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ được thành lập trong các DN ngoài khu vực nhà nước của thành phố. Thực tiễn cho thấy, chính sự ra đời của tổ chức Đảng, đoàn thể đã giúp DN vững vàng hơn trước khó khăn, thách thức. Cuộc trao đổi của Hànộimới với đồng chí Tưởng Phi Chiến - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong DN ngoài khu vực nhà nước, sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Càng khó, càng phải quyết tâm
- Thưa đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, trong bối cảnh hơn 12.000 DN trên địa bàn TP phải ngừng hoạt động và chỉ có trên 1/4 DN kê khai thuế thu nhập nộp vào ngân sách năm 2012, không ít người cho rằng việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU sẽ gặp nhiều trở ngại, khó đạt được mục tiêu đề ra?
- Sự lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Trong bối cảnh tình hình kinh tế của Hà Nội và cả nước tiếp tục suy giảm, giá cả, nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng ở mức cao, sản xuất, kinh doanh đình đốn, đời sống của người lao động khó khăn… đã tác động rất lớn đến việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Nhưng càng khó khăn, càng đòi hỏi cấp ủy, đoàn thể tăng thêm quyết tâm thực hiện.
- Có ý kiến cho rằng, nghị quyết này mới chỉ hướng tới sự phát triển các tổ chức Đảng về mặt số lượng?
- Không chỉ dừng ở lại đó mà quan trọng là nâng cao vai trò, phát huy hiệu quả của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước sau khi đã thành lập. Cả tổ chức Đảng, đoàn thể trước đây và mới thành lập đều phải bảo đảm vai trò, nội dung, hình thức hoạt động tốt hơn. Đó là vấn đề cần làm rõ trong nhận thức của cấp ủy các cấp để thêm quyết tâm thực hiện tốt hai nhiệm vụ, thứ nhất là thành lập mới tổ chức Đảng, đoàn thể; thứ hai là nâng cao vai trò, phát huy hiệu quả của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước sau khi đã thành lập.
- Quyết tâm đó đã được hiện thực hóa như thế nào, thưa đồng chí?
- Trước hết, Thành ủy đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực sát với yêu cầu của thực tiễn như: Sắp xếp lại mô hình tổ chức; cho thành lập đảng bộ cơ sở khối DN trực thuộc các quận, huyện ủy (nơi có nhiều DN); nâng cấp Đảng bộ cơ quan Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP (trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan TP) thành Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất trực thuộc Thành ủy.
Thành ủy cũng tăng thêm một số biên chế cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước cho những quận, huyện có nhiều tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong DN; quy định một số chế độ, định mức tài chính chi hỗ trợ cho tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các DN ngoài nhà nước (ngoài các chế độ được thực hiện theo quy định của Ban Bí thư TƯ); hướng dẫn việc học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới trong khu vực này. Thành ủy cũng đã giao chỉ tiêu thành lập mới tổ chức Đảng, đoàn thể cho các cấp ủy trực thuộc, để xác định rõ hơn trách nhiệm của địa phương, đơn vị trong quán triệt, thực hiện nghị quyết.
- Một chủ trương đúng, cộng với quyết tâm chính trị rất cao nhưng nếu cấp cơ sở không hưởng ứng thì khó đạt kết quả như mong muốn?
- Đúng như vậy. Nghị quyết của Thành ủy có đúng và trúng đến mấy mà các cấp ủy không thấy trách nhiệm, không sáng tạo, nhất là không ráo riết thực hiện thì khó lòng thu được kết quả cao. Điểm lại gần một năm qua, các cấp ủy cơ sở đã vào cuộc rất tích cực. 29/29 quận, huyện, thị ủy thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc; xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác, quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Các cơ sở đã khảo sát 10.354 đơn vị, trong đó khảo sát sâu và toàn diện trên 3.000 DN. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức các buổi tiếp xúc với DN để vận động, thuyết phục chủ DN. Ở đây, vai trò của cấp ủy cấp trên cơ sở, cụ thể là các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy khối trực thuộc, tổng công ty rất quan trọng. Triển khai càng ráo riết thì kết quả thu được càng cao. Đây là bài học quan trọng cần tiếp tục phát huy.
- Tuy nhiên, chủ thể thực hiện nghị quyết này chính là các DN ngoài khu vực nhà nước. Nhưng tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người lao động, sự sống còn của DN. Vậy họ đã đón nhận nghị quyết này với thái độ như thế nào, thưa đồng chí?
- Muốn thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể thì phải giúp đảng viên, đoàn viên, người lao động trong DN thấy rõ được lợi ích, nhưng điều quan trọng hơn là phải đả thông nhận thức và tư tưởng của chủ DN. Cấp ủy cấp trên phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục để chủ DN thấy được việc thành lập tổ chức chính trị trong DN không chỉ bảo đảm lợi ích tổ chức Đảng, đoàn thể mà chính là đem lại lợi ích cho DN vì tổ chức Đảng, đoàn thể chính là cầu nối giữa DN với các cơ quan quận, huyện, thành phố. Vừa qua, nhiều cấp ủy đã tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với chủ DN, người lao động. Thông qua đó có nhiều chủ DN, người lao động tự giác đăng ký thành lập và tham gia tổ chức Đảng, đoàn thể. Khi đã “thông” về chủ trương, chủ các DN sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện; còn nếu họ chưa “thông”, chưa nói đến việc gây khó dễ, chỉ cần không ủng hộ, không tạo điều kiện là chúng ta khó có thể triển khai thực hiện.
Từ tháng 2 năm 2012 đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội thành lập mới được 160 tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước, với tổng số 1.452 đảng viên, trong đó có 83 tổ chức Đảng trong công ty cổ phần; 27 tổ chức Đảng trong công ty TNHH; 13 tổ chức Đảng trong DN có vốn Nhà nước dưới 50%; 8 tổ chức Đảng trong DNTN; 20 tổ chức Đảng trong DN HTX; 9 tổ chức Đảng trong các trường học, bệnh viện tư.
Công đoàn các cấp đã phát triển được 313 tổ chức công đoàn cơ sở, với 37.270 đoàn viên. Thành lập 1 tổ chức đoàn trực thuộc Thành đoàn, 18 tổ chức đoàn trực thuộc các quận, huyện với 785 đoàn viên và 9 tổ chức hội với gần 1.000 thanh niên. Thành lập 5 tổ chức hội và 25 chi hội với 810 hội viên phụ nữ. |
Để tổ chức Đảng phát huy vai trò trong doanh nghiệp
- Thời gian qua, một số đảng ủy trực thuộc như Đảng ủy khối Du lịch đã cử cán bộ xuống làm bí thư chi bộ đảng để khơi dậy phong trào, thúc đẩy phát triển đảng viên, đồng chí thấy cách làm này có hợp lý?
- Có nhiều cách làm để xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên. Nếu trong DN đã có từ 3 người lao động hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý là đảng viên trở lên nhưng do DN chưa có tổ chức Đảng nên các đồng chí này phải sinh hoạt tại địa phương, trường hợp này cấp ủy cấp trên cần vận động để chủ DN đồng tình cho thành lập tổ chức Đảng trong DN, những đảng viên đó sẽ chuyển về sinh hoạt tại DN, như vậy rất thuận lợi. Với DN chỉ có một, hai đảng viên, để thành lập tổ chức Đảng có thể giới thiệu một đảng viên ở quận, huyện, đảng ủy khối về sinh hoạt cùng với các đảng viên trong DN để đủ điều kiện (3 đảng viên trở lên) thành lập chi bộ. Khó nhất là ở những DN chưa có đảng viên. Vậy thì, cấp ủy các cấp phải xem trong DN có quần chúng tích cực để tuyên truyền, vận động họ giác ngộ, có mong muốn vào Đảng. Tất nhiên phải đủ tiêu chuẩn, theo quy định của Điều lệ Đảng và việc kết nạp phải do chi bộ ở phường, xã nơi quần chúng đó sinh sống theo dõi giúp đỡ…
Giải pháp nữa là phải tăng cường phát triển đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng dạy nghề để khi số sinh viên là đảng viên ra trường về DN, bổ sung nguồn đảng viên cho DN. Chính vì vậy mà Thành ủy có nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng. Kết hợp nhiều biện pháp để gây dựng tổ chức Đảng trong DN. Đây là việc không đơn giản, lại càng khó hơn khi các DN gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời, với rất nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp nên đã đi vào được cuộc sống, được các DN đón nhận. Con số 160 tổ chức Đảng được thành lập đã chứng minh điều đó.
- Thưa đồng chí, trước khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU, Đảng bộ TP đã thành lập 633 tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước, tuy nhiên mô hình hoạt động của tổ chức Đảng dường như chưa có sự thống nhất?
- Trước khi BTV Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, trên địa bàn TP có một số quận ủy đang duy trì các mô hình đảng bộ cơ sở DN ngoài khu vực nhà nước trực thuộc với tên gọi rất khác nhau như: Quận ủy Hoàn Kiếm có Đảng bộ các HTX công nghiệp quận; Quận ủy Hai Bà Trưng có Đảng bộ các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh; Huyện ủy Từ Liêm có Đảng bộ cụm công nghiệp Từ Liêm; Huyện ủy Thanh Trì có Chi bộ cụm công nghiệp Thanh Trì… Khách quan đánh giá, đã có nhiều tổ chức Đảng phát huy vai trò, tuy nhiên vẫn còn một số tổ chức Đảng hoạt động chưa hiệu quả, còn nặng về hình thức.
- Chúng ta đã thành lập thêm 160 tổ chức Đảng, vậy sự bất cập này sẽ được khắc phục như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng?
- Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời, các cấp ủy đã rà soát, sắp xếp và xây dựng đề án thành lập mô hình tổ chức Đảng, để từng bước giảm đầu mối trực thuộc, tạo điều kiện để các tổ chức Đảng hoạt động có hiệu quả, nền nếp; từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Đến nay, đã có 3 quận ủy thành lập được đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc gồm: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân. Quận ủy Đống Đa cũng đã chuẩn bị công bố quyết định thành lập Đảng bộ khối DN trực thuộc Quận ủy. Cùng với việc thành lập đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất TP chính là nhằm thống nhất các mô hình tổ chức để phát huy vai trò các tổ chức này trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong các DN.
- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vai trò của các tổ chức Đảng đối với DN và người lao động?
- Trước hết từng tổ chức Đảng sẽ phải thực hiện và phát huy tốt vai trò lãnh đạo với đảng viên, đoàn viên, người lao động. Cụ thể là tuyên truyền, thuyết phục giúp lãnh đạo các DN nghiêm túc thực hiện chế độ, chính sách với người lao động đồng thời thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó là việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời giới thiệu những đảng viên, đoàn viên ưu tú để DN bố trí vào các cương vị lãnh đạo, quản lý trong DN. Trên thực tế, các chi bộ đã giúp chủ DN thực hiện tốt công tác cán bộ, giới thiệu nhiều đảng viên làm phân xưởng trưởng, ca trưởng, quản đốc, thậm chí là phó giám đốc và đã phát huy tốt vai trò.
- Thưa đồng chí, chúng ta đang đặt ra chỉ tiêu mỗi năm sẽ thành lập mới khoảng 300-400 tổ chức Đảng. Có ý kiến cho rằng, sẽ rất khó khăn để đạt con số này?
- Trong thời gian tới, tình hình kinh tế được dự báo là vẫn sẽ tiếp tục có nhiều thử thách. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là tinh thần của nghị quyết đã được lan tỏa thông qua hoạt động thực tế giúp các cấp ủy Đảng tăng cường trách nhiệm, giúp chủ DN, người lao động hiểu đúng, hiểu đủ hơn về lợi ích của việc thành lập được tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN. Bằng chứng rõ nhất là các tổ chức Đảng mới thành lập bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các chủ DN hiểu rõ lợi ích sự hiện hữu của tổ chức Đảng trong đơn vị của mình. Thứ hai, đối với các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo sẽ có thêm kinh nghiệm. Trước đây không rõ cách làm thì nay đã rõ từng khâu, từng bước triển khai, các giải pháp tháo gỡ khó khăn nếu gặp phải.
Tôi xin nhắc lại, mục tiêu quan trọng nhất của Nghị quyết số 09-NQ/TU là cùng với việc thành lập mới là phải phát huy được vai trò vị trí, nâng cao được chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể. Tinh thần đó phải truyền tỏa, thấm sâu trong nhận thức của cấp ủy các cấp và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước.
- Cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy về những vấn đề đã trao đổi!