(HNM) - Nếu như kỳ họp thứ mười một - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nhiều nội dung, công việc quan trọng được quyết định trong kỳ họp này thì cuối tuần qua cử tri và nhân dân cả nước dành sự chú ý đặc biệt tới nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại Quốc hội của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Theo như dự kiến, ngày 7-4 tới đây, tân Thủ tướng Chính phủ và tiếp đó là tân Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cũng sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại Quốc hội. Đây là những vị trí, chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII giới thiệu và được Quốc hội bầu để tiếp tục gánh vác trọng trách trong nhiệm kỳ mới.
Trước hết, có thể thấy, nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước là nét mới được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Tổ chức Quốc hội và nghi lễ này được thực hiện lần đầu tiên tại Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người được Quốc hội bầu phải thực hiện tuyên thệ trước Quốc hội, đại diện cho nhân dân, đồng bào, cử tri của cả nước.
Sau khi chính thức trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là lãnh đạo Nhà nước đầu tiên thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại Quốc hội: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện để xứng đáng với tín nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". Tương tự như vậy là tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". Và sau đó, Chủ tịch Quốc hội thông báo: "Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang".
Có thể thấy, nghi lễ tuyên thệ diễn ra rất ngắn gọn song rất trang trọng và xúc động, cả về hình thức nghi lễ và lời văn, dù rằng như cung cấp của ông Lê Minh Thông - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, đến nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về nghi thức tuyên thệ. Quy định đó chắc chắn thời gian tới sẽ được hoàn thiện và trở thành chuẩn mực, song điều quan trọng nhất phải đạt được trong nghi lễ này là sự trang trọng cùng ý nghĩa thiêng liêng như là lời hứa của người được giao nhiệm vụ trước Quốc hội, trước nhân dân và cử tri cả nước. Việc tuyên thệ đối với các chức danh đều có một phần chung là phần lời thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phần tiếp đó trong nội dung tuyên thệ sẽ liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mỗi người, mỗi chức danh, ở từng vị trí đảm trách sẽ có lời tuyên thệ khác nhau.
Để làm rõ thêm phần tuyên thệ, phát biểu sau khi thực hiện nghi lễ, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, nguyện sẽ làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cụ thể là "Kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới". Tất cả như một thông điệp cô đọng và súc tích mà người đứng đầu Nhà nước muốn chuyển tải tới Quốc hội và đồng bào cả nước những nội dung chính mình sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới này.
Cần nhấn mạnh, trên đây cũng chính là những nội dung mà các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và sẽ tiến hành giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa cùng những nội dung cụ thể đó trong cả nhiệm kỳ đối với tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước và sắp tới là tân Thủ tướng Chính phủ, tân Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Bởi với tư cách là người lãnh đạo đứng đầu, các cơ quan quan trọng của đất nước, khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị chủ chốt thì họ phải có trách nhiệm toàn diện với đất nước, giải quyết được các vấn đề đặt ra trong đời sống.
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, có thể thấy Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã ghi dấu ấn trong lịch sử lập hiến của nước ta khi hoàn thành trọng trách thông qua Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ở một góc độ khác, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã tổ chức thành công tốt đẹp đã mở ra cho đất nước một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn được coi là thực hiện công cuộc đổi mới lần thứ hai với mục tiêu là đồng bộ, triệt để và toàn diện. Vì thế, những đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng cần được khẩn trương cụ thể hóa bằng hoạt động của các cơ quan nhà nước để nhanh chóng đi vào cuộc sống, chuyển hóa thành thực tiễn sinh động, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì lẽ đó, cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi, kỳ vọng những người lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước được tín nhiệm, lựa chọn phải có đủ nhiệt huyết, trình độ, năng lực cùng thái độ quyết liệt và trách nhiệm, thực sự đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân, để nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ điều hành, lãnh đạo đất nước.
Thực tế, những kỳ họp Quốc hội vừa qua đều được dư luận quan tâm, theo dõi hết sức chặt chẽ để có thể nhìn nhận, đánh giá khách quan và chính xác về những người đại diện cho lợi ích, cho tiếng nói của cử tri và nhân dân cả nước. Những phát biểu, lời hứa, những giải trình cùng kiến nghị, giải pháp khắc phục của các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là những người giữ các cương vị trong bộ máy nhà nước đều được cử tri và nhân dân giám sát về hiệu quả trong thực tế đời sống, lấy đó là thước đo về trách nhiệm, năng lực và sự tín nhiệm. Cũng từ đó, yêu cầu đối với hoạt động giám sát, tái giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đặt ra ngày càng cao trong thực hiện lời hứa giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống, thực hiện các công việc được giao của bộ máy quản lý nhà nước... Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, thời gian qua hoạt động giám sát đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cách thức tổ chức hoạt động giám sát mới như lấy phiếu tín nhiệm, xem xét báo cáo về việc thực hiện các vấn đề chất vấn, giải trình đã được triển khai áp dụng và bước đầu đã phát huy tác dụng. Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm xem xét và giải quyết những vấn đề được dư luận và các cử tri quan tâm, góp phần làm cho sinh hoạt của các cơ quan dân cử trở nên sôi động, thiết thực, được dư luận hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Vì những lý do nêu trên, những vị trí, chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cùng lời hứa, chương trình hành động, giải pháp đề ra… chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Đó cũng chính là thực hiện nguyên tắc "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân" được ghi nhận tại Hiến pháp 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.