(HNM) - Nếu như năm 2009, số vụ đình công trên cả nước đã ít đi thì năm 2010, chỉ trong 3 tháng đầu năm, số vụ đình công đã có dấu hiệu gia tăng rõ rệt. Thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm này, cả nước đã có trên 60 cuộc đình công mà điển hình nhất là cuộc đình công ở Công ty Endo Stainless Steel (Khu công nghiệp Nội Bài) kéo dài gần 10 ngày mới được giải quyết.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia lao động, sự gia tăng đình công đã lộ diện sự yếu kém trong quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động.
Đình công ở Công ty Endo. |
Đình công phần lớn xảy ra ở doanh nghiệp có vốn nước ngoài
Cần phải khẳng định, đình công là hiện tượng kinh tế - xã hội tồn tại khách quan mà người lao động thực hiện nhằm đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ theo quy định của pháp luật. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay thì mối quan hệ giữa công nhân và người sử dụng lao động, nhất là chủ lao động nước ngoài, tư nhân đang trong bối cảnh thường xuyên biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho công nhân. Do vậy, đình công tất yếu sẽ diễn ra cho dù có thể đúng hoặc không đúng luật. Khi đình công xảy ra, phần lớn thiệt hại vẫn thuộc về phía doanh nghiệp.
Theo thống kê của ngành lao động thì từ năm 1995 đến năm 2006 ở Việt Nam đã xảy ra 1.250 cuộc đình công. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có 87 cuộc, chiếm 7%; khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có 838 cuộc, chiếm 67%; khu vực doanh nghiệp dân doanh có 325 cuộc, chiếm 26%. Các cuộc đình công chủ yếu diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với 504 cuộc, chiếm 40,3%; Bình Dương với 279 cuộc, chiếm 22,3%; Đồng Nai với 258 cuộc, chiếm 20,7%; các tỉnh còn lại chỉ có 209 cuộc, chiếm 16,7%... Tính riêng năm 2009, cả nước xảy ra 216 cuộc đình công. Số cuộc đình công hầu hết vẫn diễn ra ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 157 cuộc, chiếm 72,6%.
Còn theo Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra 64 vụ đình công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động thì con số này chưa thể hiện đầy đủ, bởi trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh cho thấy các cuộc đình công vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể những ngày đầu năm 2010 mặc dù tình hình kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xảy ra đình công. Đáng chú ý là số nhiều các vụ đình công vẫn xảy ra ở các DN có vốn nước ngoài. Vụ đình công mới đây nhất xảy ra tại Công ty TNHH Endo Stainless Steel (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), tiếp theo là Công ty TNHH Bando Vina (đóng tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh)...
Hầu hết lý do mà các công nhân đưa ra để họ tổ chức đình công ở tất cả các DN đều tập trung vào các vấn đề, như làm tăng ca, điều kiện làm việc, sinh hoạt không bảo đảm, lương thưởng quá thấp không lo đủ cho cuộc sống; thực hiện một số nội quy, quy định quá khắt khe đối với người lao động không những không khuyến khích người lao động tăng năng suất mà còn có tác động ngược trở lại...
Pháp luật về lao động chưa kịp thích ứng
Chiểu theo pháp luật hiện hành thì hầu hết các cuộc đình công nêu trên đều bất hợp pháp. Bởi đều không do công đoàn cơ sở đứng ra tổ chức, không thông qua hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động cấp quận (huyện), hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh (thành). Ngay tại các DN có tổ chức công đoàn nhưng các cuộc đình công đều không do công đoàn khởi xướng và lãnh đạo... Tất cả những vấn đề đó đã đẩy người lao động vào thế yếu, có khi bị buộc thôi việc mà không có cơ sở pháp lý để tranh cãi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, phụ trách vấn đề quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB&XH), mặc dù đã có một hệ thống thiết chế về quan hệ lao động tương đối tiên tiến, như các quy định cơ chế thương lượng, thỏa thuận giữa hai bên (đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động); quy định về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải, trọng tài và tòa lao động... nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với những cuộc đình công. Đó là hệ quả của việc hệ thống pháp luật về lao động chưa kịp thích ứng với những đòi hỏi mới hay nói đúng hơn là vẫn còn một khoảng cách giữa luật pháp về quan hệ lao động và những gì đang diễn ra trong thực tiễn.
Còn ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cơ chế giải quyết các cuộc đình công hiện nay được quy định chưa phù hợp dẫn đến không có cuộc đình công nào diễn ra đúng luật... Bộ luật Lao động đã tồn tại 15 năm và qua 3 lần sửa đổi nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp đột phá nào để giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện "quyền đình công theo quy định pháp luật" của người lao động.
Theo các chuyên gia lao động, trước mắt, để giải quyết vấn đề đình công và đình công đúng luật cần nâng cao vai trò vị trí của tổ chức công đoàn. Chỉ khi nào tổ chức công đoàn thực sự là người đại diện của người lao động trong doanh nghiệp thì quan hệ lao động mới thực sự ổn định, hài hòa. Nghĩa là khi đó, lợi ích của giới chủ và người lao động được cân bằng, hài hòa, thỏa mãn được quyền lợi cả đôi bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.