Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vài nét về lịch sử vũ trụ học (kỳ 3)

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 17/08/2014 06:46

Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, cùng với sự tồn tại giả thuyết về vụ nổ lớn Big Bang thì vẫn có những giả thuyết khác trái ngược. Ba nhà vật lý là Bondi, Gold và Hoyle cùng một quan điểm và đã phát triển lý thuyết trạng thái ổn định nhằm giải thích sự mở rộng của vũ trụ.



Theo lý thuyết này, vật chất cần sáng tạo liên tục để sản xuất ra các thiên hà mới khi vũ trụ mở rộng, bảo đảm rằng vũ trụ có thể được mở rộng, nhưng là ổn định trong thời gian dài. Trong nhiều năm, lý thuyết trạng thái ổn định được coi là một quan điểm mang tính lý thuyết, kinh viện. Năm 1965, Penzias và Wilson phát hiện ra một bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Điều này được giải thích rằng bức xạ này là ánh sáng mờ của bức xạ mãnh liệt của một vụ nổ lớn Big Bang, vốn đã được dự đoán trước đó của Alpher và Herman từ năm 1949. Vào những năm 1940, ba nhà vật lý lý thuyết là Gamow, Alpher và Herman đã tính toán sự phong phú tương đối của hydro và heli có thể được sản xuất trong Big Bang. Kết quả tính toán về sự phong phú của các nguyên tố nhẹ phù hợp với các giá trị thực tế đã quan sát được.

Từ những năm 1970, hầu hết các nhà vũ trụ học đã chấp nhận giả thuyết Big Bang và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, cụ thể hơn, nhưng vẫn cơ bản là những câu hỏi về vũ trụ. Chẳng hạn: "Các thiên hà và các cụm thiên hà mà chúng ta quan sát được đã được mở rộng từ trạng thái ban đầu như thế nào?", "Vật chất để tạo ra vũ trụ được làm bằng gì?", "Lỗ đen là gì?", "Làm thế nào để chúng ta biết rằng không có lỗ đen hoặc một số loại vật chất tối ra khỏi đó mà không tỏa sáng như những ngôi sao?", "Vấn đề đường cong không - thời gian", "Những hình dạng tồn tại trong vũ trụ là gì?", "Có tồn tại một hằng số vũ trụ không?"...

Các nhà khoa học đã tìm hiểu bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Nó giúp cho chúng ta có một bức tranh của vũ trụ sau Big Bang một trăm nghìn năm. Ở đây, khi xảy ra Big Bang thì hình thành các hạt mang năng lượng, gọi là các bức xạ (chẳng hạn như sóng điện thoại di động ngày nay hay ánh nắng mặt trời là những hạt mang năng lượng). Hầu hết các bức xạ này có cấu trúc và tính chất giống nhau khi nhìn theo mọi hướng, gọi là đẳng hướng. Năm 1992, vệ tinh Explorer nền vũ trụ của NASA đã phát hiện ra những bức xạ không đẳng hướng đầu tiên trong bức xạ nền này. Những bức xạ này có biến động nhẹ về nhiệt độ, khác khoảng một phần trăm nghìn so với hầu hết các bức xạ còn lại, gọi là những bức xạ không đẳng hướng. Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là những hạt giống để sau này hình thành nên các thiên hà.

Kể từ đầu những năm 1980, nhiều công nghệ mới đã ra đời. Chẳng hạn công nghệ truyền hình vệ tinh dần được phát triển, mang lại những ứng dụng to lớn cho con người. Hay sự phát triển của kính viễn vọng Hubble đã mang lại một bức tranh đầy đủ hơn của vũ trụ. Vũ trụ học vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, khám phá.

Kết quả kỳ trước: Khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất theo đơn vị km là: 93 triệu dặm x 1609,34m : 1000 = 149 668 620 (km). Trao giải thưởng 50.000 đồng/người cho bạn Đặng Kỳ Bảo (lớp 7B, THCS Đông Thái), Nguyễn Phương Hà (số 9, ngõ 1074 Đường Láng)

Kỳ này: Biết bán kính Trái đất là 6.400km, hãy tính xem khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất gấp bao nhiêu lần đường kính Trái đất. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học - học mà chơi", tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vài nét về lịch sử vũ trụ học (kỳ 3)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.