Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vài nét về giảng dạy toán thời Hy Lạp cổ đại

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 28/09/2014 07:14

(HNM) - Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, việc dạy học nói chung và giảng dạy toán học nói riêng đã được quan tâm. Tuy nhiên, do đặc thù nghiên cứu về toán ở giai đoạn này mà người ta coi số học và hình học là hai môn riêng biệt. Tầng lớp trung lưu và thợ thủ công chủ yếu học về tính toán.


Tầng lớp thượng lưu, đối tượng có điều kiện hơn về kinh tế và có thời gian để học tập dài hạn thì học về khoa học của những con số. Giáo viên có thể là chính cha mẹ của học sinh hoặc những người từng được đào tạo được mời đến nhà giảng dạy. Hầu hết, trẻ em được học văn học, âm nhạc, thể dục. Một số ít có thể được học những kiến thức đơn giản về số học hoặc hình học. Đến 12 tuổi, một số học sinh được đến trường học để học ngữ pháp, kiến thức cơ bản về logic và hùng biện. Sau giai đoạn này, một số ít học sinh được chọn để tiếp tục học về khoa học của những con số. Họ sẽ theo học một nhà triết học hoặc tham dự một học viện hay trường cao đẳng.

Nổi tiếng nhất là ba trường học do Pythagore, Platon, Aristotle thành lập. Trường của Pythagore được thành lập năm 518 trước Công nguyên (TCN). Trường đã đẩy mạnh việc học tập, thảo luận, nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu về số học và hình học. Pythagore tin rằng có thể dùng toán học để biểu thị và giải thích nhiều hiện tượng của tự nhiên trong vũ trụ. Học viện Platon tồn tại hơn 900 năm (từ khoảng năm 387 TCN đến năm 529). Đây là nơi để đào tạo những chính trị gia tương lai của Athens. Platon coi kiến thức toán học là cơ sở trí tuệ để học sinh tìm hiểu về tự nhiên và xã hội. Ông cũng cho rằng thông qua việc học toán sẽ khuyến khích những học sinh bộc lộ khả năng và có tư duy để nhìn nhận chính xác nhất các vấn đề. Học sinh của ông sẽ được học toán trong 10 năm đầu tiên tại học viện. Rất nhiều thành tựu về phương pháp dạy học, về kiến thức toán học được phát triển từ những học sinh được đào tạo từ học viện này. Thông qua các cuộc thảo luận, ông còn truyền bá cho học sinh các tư tưởng của mình về thơ ca, khoa học tự nhiên, thiên văn học, kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ, kịch... và đặc biệt là triết học.

Aristotle là một học trò của học viện Platon. Ông có 20 năm học tập và giảng dạy tại học viện này. Sau khi Platon mất (năm 347 TCN), cùng với nhiều thay đổi về chính trị, ông đã lập riêng vườn Lyceum như là một học viện của mình. Dù nhiều tài liệu được kế thừa từ học viện Platon nhưng ông đã tạo ra một chương trình giảng dạy rộng lớn hơn với nhiều ngành khoa học tự nhiên. Ông đưa vào hệ thống suy luận logic của mình và coi đây là nền tảng cho tất cả các ngành khoa học. Các lĩnh vực được ông giảng dạy, nghiên cứu bao gồm vật lý, thiên văn, động vật, khí tượng, tâm lý, kinh tế, chính trị, đạo đức, thần học, văn học, hùng biện...

Kết quả kỳ trước: Bộ sách của Euclid viết về hình học có tên là “Cơ sở”. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Nguyễn Đức Minh (143 Mai Hắc Đế), Đặng Kỳ Bảo (THCS Đông Thái).

Kỳ này: Em có biết nội dung định lý Pythagore về diện tích? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vài nét về giảng dạy toán thời Hy Lạp cổ đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.