(HNM) - Cuối tháng 7 vừa qua, Viện Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) đã công bố kết quả nghiên cứu về việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng. Đã có 1.600 cán bộ và người dân tại 5 tỉnh, thành và 16 bộ, ngành tham gia cuộc khảo sát lần này.
Thực tế cho thấy, số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn, song tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được lại rất nhỏ. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là dưới 10%, năm 2014 là khoảng 22%. Do đó, khảo sát chỉ có 12,9% công chức, viên chức cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng là có hiệu quả, số còn lại cho rằng không hiệu quả và chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp. Người dân được hỏi ý kiến cũng chung quan điểm đó.
Tuy nhiên, với việc thực hiện quy định về kê khai tài sản và thu nhập thì ý kiến của hai nhóm đối tượng là đối lập. Cụ thể, có tới 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá việc này là tích cực, nhưng điều đó chỉ có hơn 35% người dân được hỏi đồng tình, tức là có gần 65% người dân cho rằng quy định này ít có tác dụng. Tương tự, hai nhóm đối tượng cũng có ý kiến trái chiều đối với một số vấn đề khác. Cụ thể, 71,2% cán bộ được hỏi khẳng định không nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc; 77,4% khẳng định không bố trí, đề bạt, tuyển dụng người không đủ điều kiện để vụ lợi. Trong khi đó, trên dưới 50% ý kiến người dân cho biết phải dùng thêm tiền để được làm các thủ tục xây dựng nhà, mua bán nhà đất, cho con đi học hay "lót tay" để được quan tâm khi khám chữa bệnh; 54% ý kiến người dân phản ánh chuyện cán bộ nhận tiền, hoặc quà biếu để giải quyết công việc…
Vậy cần hiểu về những số liệu trái chiều của các nhóm đối tượng khác nhau đối với cùng một vấn đề là như thế nào? Thật ra cũng không có gì phức tạp mà chuyện đó còn cho thấy, những ý kiến của người dân đã phản ánh đúng thực tế. Trước hết, với việc thực hiện quy định về kê khai tài sản và thu nhập như hiện nay, có thể khẳng định là không hiệu quả, hoặc hiệu quả là rất thấp. Điều này cũng đã được các đồng chí lãnh đạo cấp cao và Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận. Do đó, thật dễ hiểu khi đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức "đồng tình" với cách làm như thế để có lợi cho bản thân, che giấu được số tài sản, thu nhập khuất tất. Theo số liệu thống kê, tính tới hết tháng 5-2015, số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai tài sản, thu nhập đạt 99,6%, trong đó 98,4% bản kê khai tài sản, thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. Chắc chắn con số đó chưa phản ánh đúng thực tế.
Ở góc độ khác, theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, việc khảo sát các đối tượng cho kết quả khác nhau, cụ thể là trái chiều như nêu trên cũng là bình thường bởi ít khi người trong cuộc tự nhận khuyết điểm về mình. Vậy nên từ 70% đến 90% cán bộ có chức, có quyền cho rằng họ không vi phạm các điều cấm khi thực hiện nhiệm vụ còn người dân thì phản ánh ngược lại…
Hiện nay dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có các giải pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng không triệt để, không hiệu quả và chưa đạt mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Tương tự như thế, biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả thì cũng cần phân tích, đánh giá để bổ sung thêm những quy định cho chặt chẽ, hoặc áp dụng biện pháp mới phù hợp với thực tế. Đó chính là những công việc cần nhanh chóng triển khai sau khi kết thúc một cuộc khảo sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.