(HNM) - Hơn hai chục năm làm việc ở Ban Thư ký tòa soạn, từ họa sĩ trình bày rồi biên tập viên, tôi gom nhặt vài mẩu chuyện “bếp núc” nghề nghiệp, trước tiên là để góp vui nhân kỷ niệm 65 năm ngày Báo Hànộimới xuất bản số báo hằng ngày đầu tiên, và biết đâu có thể gợi ra vài điều hữu ích cho các bạn trẻ đang làm báo hôm nay.
Được giải mà phải... trốn!
Đã nhiều năm nay Báo Hànộimới duy trì cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện”. Giải thưởng tuy “khiêm tốn” nhưng lượng bài tham gia phải nói là “khá hoành tráng”! Ngoài mục đích đa dạng, phong phú nội dung, thu hút cộng tác viên mới thì cuộc thi còn nhằm khắc phục tình trạng “ăn đong”, thiếu bài nghiêm trọng. “Mỗi ngày một chuyện” nghĩa là ngày nào cũng phải có bài, chỉ vài trăm chữ nhưng phải có chuyện, viết như một tiểu phẩm. Để “nuôi” chuyên mục đủ 365 số/năm, phải nói là cực lắm thay. Lắm lúc trộm nghĩ, giá như là “mỗi tuần một chuyện” có phải nhàn biết bao!
Chuyện tôi muốn kể ở một kỳ tổng kết cuộc thi “Mỗi ngày một chuyện”, chẳng nhớ năm nào, chỉ nhớ hồi ấy điều lệ giải chưa cho cán bộ, phóng viên báo nhà tham gia nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Thế nên khi được mời dự lễ trao giải cùng các trưởng, phó ban, tôi lấy làm lạ vì mình chẳng phải cán bộ cán bung gì. Nghĩ chỉ sang dự khán nên tôi mang tập bản thảo theo để tranh thủ biên tập. Sau khi nghe công bố các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích, tôi loáng thoáng nghe thấy tên mình được trao “Giải tác giả có nhiều bài tham gia nhất” với số lượng 64 bài. Tôi đâm choáng (nói thật là ngượng), lập tức lặng lẽ chuồn khỏi hội trường. Sau đó anh phó ban mang tiền thưởng, bằng chứng nhận về đưa tôi rồi hỏi: “Sao ông lại trốn?”. Tôi đáp: “Ngượng chết đi được! Tôi có tham gia thi đâu mà nhận giải...”. Chiều hôm ấy, Trưởng ban Bạn đọc giải thích, tuy cuộc thi quy định cán bộ, phóng viên báo nhà không được tham gia nhưng Ban tổ chức thống nhất trao giải cho tác giả có nhiều bài tham gia nhất, dù là trong cơ quan. Coi như một ngoại lệ.
Nguyên nhân là thế này: Ngày nào Ban Bạn đọc cũng phải nộp cho Thư ký tòa soạn một bài “Mỗi ngày một chuyện”, nhưng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do chất lượng viết yếu nên bài bị... đổ, phải đề nghị thay, mà nhiều khi bài vừa thay cũng... bị đổ nốt, mỗi lần như vậy Trưởng ban Bạn đọc lại ghé tai tôi thì thầm: “Hết nhẵn “lương khô” rồi, ông cho tôi một bài cấp cứu với...”. Cũng vì “nể” nên tôi đành giúp. Và nhờ nhiều lần như thế nên tích lại cả năm tôi mới có nhiều bài đăng ở chuyên mục này và có cái giải thưởng mới nghe công bố đã... bỏ trốn như vừa kể ở trên.
Sau này, điều lệ cuộc thi được sửa, cho phép cán bộ, phóng viên trong cơ quan tham gia, và tôi cũng vài lần được nhận giải thưởng nhưng không còn ngượng như lần ấy nữa.
“Tốt nhất đừng động bút vào”!
Lần ấy, có một bài viết về cây xanh của thành phố, sau khi tôi sửa đôi ba chữ cho văn phong sáng ý hơn thì một đồng nghiệp trong kíp trực tòa soạn cầm bút xóa hết chỗ tôi đã chữa và đánh dấu “lấy lại” như cũ. Tôi thoáng nhìn thấy và không khỏi tự ái, nhưng chưa kịp lên tiếng thì cậu ta mang bản thảo đến bàn tôi, nói nhỏ: “Bài của “cụ” đấy! Bút danh này anh không biết sao?”. Tuy hơi giật mình nhưng tôi vẫn bình tĩnh: “Nhưng cậu xem kỹ chữ tôi sửa chưa đã? Tôi chỉ muốn rõ ý hơn thôi...”. “Tốt nhất là anh đừng động bút vào”, cậu ta chốt một câu gọn lỏn!
Tôi không tranh cãi câu nào nữa. Đến khi cả kíp trực cùng đi ăn tối, tôi nêu lại sự việc với anh trưởng kíp trực, rằng: “Sinh ra biên tập viên để làm gì? Nếu câu cú chưa rõ ý, rườm rà... thì dù là bài của ai thì chỉnh sửa là việc nên làm quá đi chứ! Miễn là không ảnh hưởng tới đường lối, ý tưởng, quan điểm của bài viết”... rồi “chốt” một câu: “Các cậu còn trẻ, đời làm báo còn dài, nhưng tớ khuyên nên tuyệt đối bỏ cách suy nghĩ này đi, kẻo rồi đến lúc “kính chẳng bõ phiền” thì nguy hiểm lắm”. Trưởng kíp im lặng, không tranh luận gì... Hôm sau, cầm tờ báo mới ra xem lại bài mình “chọc bút” hôm trước, tôi thở phào khi nhận thấy bài viết đã được chữa theo ý tôi sửa, dù chỉ theo chừng 80%.
Với tôi, đến giờ đó cũng là một kỷ niệm vui. Một phần vui vì đã làm đúng chức năng biên tập viên, còn lại thì vui vì quan điểm, cách làm nghiêm túc của đồng nghiệp trẻ, cụ thể là trưởng kíp trực đêm ấy. Sau này tôi cũng không hỏi, nhưng đoán là có hai khả năng xảy ra: Một là trưởng kíp có đủ bản lĩnh để đồng ý với việc tôi chữa vài chữ trong bài viết. Hai là anh đã cẩn thận gọi điện cho thư ký của “cụ” về việc biên tập này. Song dù là khả năng nào thì cũng đều đáng khen.
Chữa bài thầy giáo cũ
Một buổi chiều, Trưởng ban Thư ký tòa soạn đưa tôi một bản thảo khá dài, phải đến 5, 6 tờ A4 và bảo: “Anh biên tập giúp, xem bài này có đăng được không?”. Câu “xem có đăng được không” khiến tôi ngờ ngợ. Ngó không thấy chữ ký “nháy” nào, tôi đồ rằng hẳn bài viết có “vấn đề” nên đọc kỹ. Cuối bài thấy ký tên một giám đốc sở đang tại nhiệm, oái oăm thay lại là thầy giáo dạy tôi hồi đại học.
Quả nhiên bài viết “có vấn đề” thật. Tôi đưa lại tập bản thảo cho Trưởng ban, nói: “Bài này không thể đăng được. Lời lẽ cay nghiệt, mang tính cá nhân quá. Nếu đăng, báo ta vô hình trung sẽ khơi lên cuộc “bút chiến”, “đánh nhau”. Nguy hiểm lắm!”. Trưởng ban cầm lại bài, chắc là sang phòng Tổng Biên tập báo cáo. Một lát sau thì Tổng Biên tập đến bàn tôi ngồi, chỉ thị (mà như có chút nhờ vả): “Anh cố gắng sửa giúp, làm sao để bài có thể đăng được”. Tổng Biên tập đã “lệnh”, thế nên tôi dụng công thay từ ngữ, gạch xóa, thêm bớt, chuyển từ “tông” bút chiến xuống “tông” đối thoại, có phần cởi mở, khiêm nhường nữa... Thành thật mà nói, chưa bao giờ tôi biên tập lâu đến thế đối với một bài báo, xào xáo, xới lộn hết cả, hầu như không còn dáng dấp hình hài cũ nữa... Sau khi xem lại, Tổng Biên tập đến bên bàn tôi, giơ ngón cái lên “Anh chữa giỏi lắm!”.
Với tôi, lời khen ngắn gọn như một sự ghi nhận chân tình, động viên thật khó quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.