(HNMO)- Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra các giải pháp cơ bản để ổn định và phát triển thị trường chứng khoán; trong đó có việc cắt giảm số công ty chứng khoán hiện nay xuống còn 25 công ty.
Theo Hiệp hội này, hiện có tới hơn 100 công ty chứng khoán (CTCK), đa phần hoạt động bát nháo. “Quá nhiều CTCK dẫn đến chất lượng công ty kém vì nguồn nhân lực quản lý bị phân tán và vì các CTCK cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bằng mọi giá để thu hút nhà đầu tư dẫn tới việc tỷ lệ cho vay cho đầu tư chứng khoán quá lớn (có thời điểm cho nhà đầu tư vay gấp 5 lần vốn tự có ), cạnh tranh cho vay nhiều đã biến TTCK trở thành 1 sòng bạc, hậu quả tất yếu là đa phần các nhà đầu tư bám sàn thua lỗ, mất vốn, và cũng dẫn tới nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, mất vốn và ở tình trạng giải thể phá sản”-VAFI phàn nàn.
Vì thế, những giải pháp mà Ủy ban Chứng khóan Nhà nước đề xuất về việc tái cấu trúc CTCK là không khả thi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nhiều công ty chứng khoán ở tình trạng “chết dần, chết mòn “ăn” hết vốn của cổ đông, thậm chí là “ăn” cả vào vốn vay của ngân hàng và khách hàng…Hiện tại nhiều cổ đông CTCK muốn rút vốn nhưng không chuyển nhượng được vì không ai mua, kể cả với giá bèo.
Vì vậy, VAFI cho rằng, với thực trạng như hiện nay, phải nhanh chóng giảm 75% số lượng CTCK nhằm tập trung, sắp xếp lại nguồn nhân lực, loại bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, xóa bỏ tình trạng “ thằng chột làm vua sứ mù “, đồng thời bảo vệ được đồng vốn của cổ đông, tạo sự an toàn, lành mạnh cho TTCK.
Ảnh minh họa |
Để giảm còn 25 CTCK, VAFI gợi ý, Thủ tướng Chính phủ nên có văn bản yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, CTCP có cổ phần chi phối nhà nước đang nắm cổ phần chi phối tại các công ty chứng khoán thực hiện ngay việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập hay thoái vốn tại các công ty chứng khoán đó; yêu cầu CTCK phải tăng vốn pháp định theo lộ trình: Năm 2013 là 600 tỷ đồng (từ 300 tỷ đồng), năm 2015 là 1.200 tỷ đồng.
“Bằng các giải pháp trên, sẽ dễ dàng tái cơ cấu hệ thống CTCK, đồng thời tăng sự hấp dẫn cho việc đầu tư từ các công ty chứng khoán nước ngoài và sẽ bảo vệ được tài sản của cổ đông.”-Hiệp hội này khẳng định.
Ngoài việc giảm số công ty chứng khoán, VAFI cũng đề xuất cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), tiến tới sáp nhập Trung tâm Lưu ký chứng khoán vào Sở GDCK; thành lập 1 sàn giao dịch chứng khoán mới làm cơ sở xây dựng “1 siêu thị văn minh hiện đại “ ngang tầm quốc tế nhưng vẫn được quản lý từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; Nhà nước cần xác định thị trường chứng khoán là mặt trận kinh tế hàng đầu và ngành đầu tư chứng khoán phải được coi là ngành kinh tế mũi nhọn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như ngành công nghệ cao; bỏ thủ tục xin mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó là thủ tục đăng ký qua mạng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán; cho nhà đầu tư được vay số chứng khoán vừa mua nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy phong trào đầu tư giá trị.
Một biện pháp nữa là mở room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ở các ngành nghề không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo Hiệp hội này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu như tất cả thị trường chứng khoán phát triển và đang phát triển đều không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, trừ một vài lĩnh vực nhạy cảm, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng trong huy động vốn và trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
“Nếu chúng ta mở room cho NĐTNN ở mức không hạn chế sẽ tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng hơn trong huy động vốn và công nghệ, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gia nhập các tập đoàn quốc tế nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh.”- VAFI nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.