(HNM) - Những ngày qua, câu chuyện về vắc xin Quinvaxem dường như trở thành nỗi ám ảnh đối với hầu hết các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi tiêm chủng dù Bộ Y tế liên tục đưa ra những bằng chứng khẳng định, các ca tai biến, tử vong ở trẻ sau khi tiêm vắc xin
Bối rối với Quinvaxem
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem đã sử dụng từ năm 2010 thay thế vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Số lượng vắc xin Quinvaxem mỗi năm sử dụng là 4,5 triệu liều để tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ em. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hơn 3,5 triệu mũi tiêm Quinvaxem, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng (như tím tái, khó thở, sốt cao) sau tiêm, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp bệnh lý và một ca sốc phản vệ. Riêng trường hợp cháu bé ở Hải Dương tử vong sau tiêm Quinvaxem vào cuối tháng 10 vừa qua, nguyên nhân cũng được xác định là sốc nhiễm trùng nặng.
Trẻ em từ 10 tháng tuổi được tiêm ngừa miễn phí vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. |
Thống kê trong năm 2014, các tai biến sau tiêm Quinvaxem cũng đã ghi nhận gần 10 trẻ tử vong. Trong đó, một số trường hợp được xác định có phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ với vắc xin. Các trường hợp khác là do bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.
Để đưa ra bằng chứng khẳng định những trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vắc xin, ngày 13-11, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin cho báo chí về hội chứng đột ngột tử vong ở trẻ. Theo đó, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Do các liều vắc xin phòng, chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này nên vắc xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vắc xin không phải là nguyên nhân liên quan đến hội chứng đột ngột tử vong ở trẻ.
Trước đó, trả lời về đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chất lượng của vắc xin Quinvaxem, ông Kohei Toda, chuyên gia tiêm chủng của WHO khẳng định, hiện nay vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc xin này được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Vắc xin Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng năm 2006. Đây là loại vắc xin an toàn, hiệu quả, có chất lượng tốt và chi phí hợp lý. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều.
Tuy nhiên, những lý giải của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xem ra chưa hoàn toàn thuyết phục được nhiều bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thu Thủy (ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Tôi không muốn đánh liều với tính mạng của con mình. Tại sao Bộ Y tế khẳng định vắc xin đó an toàn mà trẻ vẫn liên tiếp tử vong sau khi tiêm? Hiện tôi đang chờ vắc xin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1" để tiêm cho con. Tôi cũng biết có phụ huynh đã sang Singapore hoặc Thái Lan để "săn" vắc xin dịch vụ tiêm cho con mình nhưng một chuyến xuất ngoại như vậy cũng khá tốn kém".
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng vắc xin trôi nổi Theo Bộ Y tế, việc thay thế vắc xin Quinvaxem bằng vắc xin phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa "6 trong 1" hoặc Pentaxim "5 trong 1" sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay nguồn cung ứng 2 vắc xin dịch vụ này trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ. Từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016 sẽ vẫn khan hiếm 2 loại vắc xin trên. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng sự khan hiếm vắc xin để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao. |
Làm gì để có thể tin tưởng?
Không thể phủ nhận, vắc xin phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật mà trước khi chưa có nó, có thể hàng triệu trẻ em đã bị cướp đi sự sống bởi các căn bệnh quái ác như: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HIB... Thế nhưng, trước những sự cố sau tiêm Quinvaxem đã xảy ra, thách thức lớn nhất tại thời điểm này đối với chương trình TCMR là làm sao lấy lại được lòng tin của người dân.
Về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, về nguyên tắc các vắc xin đều phải bảo đảm được tính an toàn, hiệu lực và kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng bảo đảm an toàn tuyệt đối 100% như mong muốn. Mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít lại có phản ứng mạnh với vắc xin như: Sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Mặc dù sử dụng vắc xin có thể gặp rủi ro song vì mục đích của tiêm chủng là bảo vệ toàn thể cộng đồng, nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của WHO thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. "Nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn. Ví dụ trong thời gian qua dịch sởi bùng phát tại Việt Nam, Mỹ, Australia và một số quốc gia Châu Âu mà phần lớn người mắc là do không tiêm chủng. Hiện nay, dịch bạch hầu đang bùng phát tại Lào do tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu thấp tại quốc gia này" - ông Trần Đắc Phu nói.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đánh giá lại các kết luận của hội đồng tuyến tỉnh, trong đó ưu tiên kiểm định các lô vắc xin có liên quan đến các ca tai biến. Mặt khác, để hạn chế xuống mức thấp nhất những sự cố đáng tiếc, Bộ Y tế sẽ xem xét các giải pháp thay thế khi có đủ các bằng chứng khoa học và có nguồn cung ứng đủ vắc xin thế hệ mới, bảo đảm nguồn tài chính, trong đó sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả được đặt lên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.