(HNNN) - Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu với biến chủng Delta. Theo Bộ Y tế, người nhiễm vi rút biến chủng Delta có biểu hiện lâm sàng không đặc trưng hoặc không có triệu chứng nên rất dễ nhầm với người mắc bệnh cảm lạnh thông thường.
Đáng lo ngại hơn là biến chủng Delta khiến dịch có tốc độ lây lan nhanh, nhiều trường hợp chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, vẫn có thể nhiễm bệnh. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bên cạnh biện pháp “5K”, việc tiêm vắc xin phòng dịch được coi là giải pháp hữu hiệu để tạo “tấm khiên” an toàn cho cộng đồng.
Không nên chần chừ
Đó là thông điệp mà Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park nêu ra tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 6-8. Vị Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh, tiêm vắc xin an toàn và hiệu quả chính là chìa khóa để kết thúc đại dịch Covid-19. WHO khuyến cáo người dân hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn khi đến lượt được tiêm. Thông điệp từ ông Kidong Park cho thấy hiệu quả chống dịch rõ ràng của các loại vắc xin và giúp người dân thêm vững tâm khi tiêm vắc xin. Nói vậy là bởi thời gian qua, vẫn còn không ít người lo ngại về độ an toàn của một số loại vắc xin.
Thẳng thắn nhìn nhận, sự lo lắng của người dân cũng là bình thường, nhất là khi thời gian nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng dịch Covid-19 ngắn hơn so với các loại vắc xin khác, và đã xuất hiện thông tin về phản ứng bất lợi sau khi tiêm một số loại vắc xin. Thế nhưng, với sự lây lan phức tạp liên quan tới biến chủng Delta, khi mà biện pháp “5K” không phát huy được sức mạnh tuyệt đối như giai đoạn trước, hàng loạt quốc gia đã đồng loạt kêu gọi người dân tham gia tiêm chủng miễn phí.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã không ít lần trực tiếp tiến hành “livestream” kêu gọi người dân, đặc biệt là người trên 60 tuổi, đi tiêm vắc xin phòng dịch. Hay như tại Giải vô địch bóng đá châu Âu - Euro 2020 vừa qua, trong khi nhiều nước khác còn e ngại, không cho hoặc chỉ cho lượng khán giả nhỏ vào sân thì các sân vận động của Hungary luôn chật kín khán giả là bởi quốc gia này đã tiến hành tiêm vắc xin sớm và đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Đó là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin đem lại.
Quay trở lại Việt Nam, ngày 15-4-2021, Bộ Y tế, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ra thông cáo báo chí chung khẳng định: Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch. Theo đó, trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng Covid-19, WHO khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch. Các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng dịch để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Trước sự băn khoăn của một số người dân về việc lựa chọn vắc xin, trên trang facebook cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo: “Sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vắc xin là có, tuy nhiên rất khó đong đếm... Các bạn có đặt câu hỏi trong lúc chờ đợi vắc xin mình lại nhiễm vi rút thì thật là dở khóc, dở cười...”.
Được biết, đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 với 6 loại vắc xin, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna và Janssen. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh: “Không nên lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào thì tiêm vắc xin đó. Tất cả vắc xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng”.
Một trong những thuận lợi lớn của Việt Nam, theo đánh giá của WHO, là có một hệ thống sẵn có của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được thiết lập khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Các cán bộ tiêm chủng mở rộng đều được đào tạo bài bản về tiêm chủng an toàn và tất cả các quy trình đều được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm vận chuyển và bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng, bố trí địa điểm tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng an toàn.
Còn theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Đây là những thông tin rất đáng để mỗi người dân thêm yên tâm khi đi tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, diễn ra vào ngày 8-8-2021, một trong những nội dung lớn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vắc xin. Trước hết là nhập khẩu nhiều nhất, sớm nhất có thể bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vắc xin. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Đồng thời, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Tại Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 5-8-202, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm... Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị tất cả các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, không giới hạn điểm tiêm, số lượng tiêm mỗi buổi. Những nơi thiếu cơ sở tiêm thì có thể dựng bạt, miễn là đảm bảo khoảng cách, có ghế ngồi. Và trong công văn khẩn mới đây gửi tất cả các đơn vị được phân bổ vắc xin trên cả nước, Bộ Y tế yêu cầu, tất cả các đơn vị được phân bổ vắc xin từ đợt 8 đến đợt 13 nếu không đến nhận kịp thời thì sẽ điều chuyển cho đơn vị khác, và xem xét không phân bổ trong các đợt tiếp theo. Tại Hà Nội, việc tiêm vắc xin phòng dịch được tiến hành hết sức khẩn trương, không chỉ ở các bệnh viện mà còn tại các Trung tâm y tế quận, huyện, xã, phường.
Một thông tin đáng mừng là vắc xin do Việt Nam nghiên cứu, phát triển cũng cho những kết quả hết sức khả quan. Công ty cổ phần Sinh học dược Nanogen, đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin NanoCovax đã gửi báo cáo tới Bộ Y tế cho biết, dựa trên các phân tích và so sánh trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, ước lượng vắc xin này có hiệu quả khoảng 90%. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) đã họp và đánh giá vắc xin NanoCovax an toàn, có khả năng sinh miễn dịch.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin NanoCovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền. Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam. Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan liên quan và người dân, một “tấm khiên” vững chắc sẽ sớm được dựng lên để chặn đứng đại dịch.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.