Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vắc xin “Made in Vietnam”: Loay hoay tìm chỗ đứng

Thu Trang| 10/03/2014 05:53

(HNM) - Từ chỗ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc xin nhập ngoại, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại vắc xin và trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy.



Tuy nhiên, điều khiến không ít nhà khoa học quan ngại là thực tế hiện nay, không ít bà mẹ vẫn còn nghi ngờ về chất lượng vắc xin nội để "chạy theo" vắc xin ngoại, thậm chí có người còn "quay lưng" với tiêm chủng khiến trẻ mất cơ hội được phòng bệnh. Vấn đề này càng trở nên bức bối trong bối cảnh dịch cúm gia cầm, bệnh sởi… đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Việt Nam là nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rotavin - M1 phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh: TTXVN


Chất lượng "ngoại", giá "nội"

Để tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu thử nghiệm vắc xin trên động vật, Bộ Y tế đã sớm thành lập khu nuôi khỉ Vàng ở đảo Rều nằm giữa Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh. Tại đây, các nhà khoa học lựa chọn khoảng 100 con khỉ từ 6 đến 12 tháng tuổi vừa tách mẹ để tiêm vắc xin và đánh giá tính an toàn, khả năng phòng bệnh. Ngay từ năm 1962, trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sabin phòng bại liệt - căn bệnh đã từng trở thành "đại dịch" từ năm 1957 đến 1959. Từ đó đến nay, Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/11 loại vắc xin, gồm: Lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đáp ứng hơn 70% nhu cầu.

Hiện nay, Việt Nam có tới 4 nhà máy sản xuất vắc xin với trang thiết bị và công nghệ hiện đại, không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Việc phát triển cả về số lượng, chất lượng của vắc xin nội đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, đẩy nhanh quá trình hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đó là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Cũng nhờ việc đưa nhiều loại vắc xin phòng bệnh vào chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở nước ta có xu hướng giảm qua các năm. Đơn cử như năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Năm 2005, Việt Nam cũng được công nhận là quốc gia loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh…

Sau Bỉ, Mỹ, Trung Quốc, giờ đây Việt Nam đã trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy rotavirus ở trẻ em. Đây là vắc xin lần đầu tiên sử dụng chủng virus có nguồn gốc từ người Việt Nam với công nghệ cập nhật tương đương với các nước đã sản xuất ra vắc xin trước đó. Sắp tới, nếu loại vắc xin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế có thể đáp ứng được từ 3 triệu đến 5 triệu liều/năm với mức giá khoảng 300.000 đồng/liều, chỉ bằng 1/3 so với giá vắc xin ngừa virus tiêu chảy nhập ngoại. Với việc nghiên cứu thành công nhiều loại vắc xin, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vắc xin thế hệ mới và hoàn toàn có cơ hội trở thành quốc gia xuất khẩu vắc xin lớn của khu vực và thế giới.

Để vắc xin nội tìm được chỗ đứng

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc xin Rotavin-M1, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế PGS.TS Lê Thị Luân cho biết, chúng ta phải mất từ 10 năm đến 20 năm nghiên cứu mới có thể sản xuất ra một loại vắc xin; riêng với vắc xin phòng tiêu chảy phải trải qua 16 năm nghiên cứu mới đi đến thành công. Tuy nhiên, không phải vắc xin nào cũng may mắn có được kết quả như vậy. Bởi có không ít loại vắc xin dù đã đầu tư kinh phí nhưng chỉ cần một giai đoạn thử nghiệm không đạt là coi như thất bại. Trong các giai đoạn (như: Nghiên cứu, thí nghiệm tiền lâm sàng trên động vật…), giai đoạn khó khăn và vất vả nhất là thực địa lâm sàng vắc xin trên cơ thể người lớn và trẻ em. Ở giai đoạn này, không chỉ người có con dùng vắc xin thử nghiệm lo lắng mà bản thân các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu vắc xin cũng lo lắng gấp bội. Trước khi thử nghiệm, các cán bộ y tế được phân công đi đến từng nhà để cung cấp thông tin và trả lời mọi câu hỏi của phụ huynh có con tham gia nghiên cứu. "Với vắc xin Rotavin-M1, sau khi cho trẻ uống, các bác sĩ liên tục theo dõi các phản ứng. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu luôn phải đề cao tính an toàn của vắc xin và sức khỏe của trẻ. Sau mỗi giai đoạn, Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) đều họp bàn với các nhà nghiên cứu vắc xin để đánh giá, thẩm định lại chất lượng, hiệu quả phòng bệnh. Thậm chí, sau khi được cấp phép lưu hành ngoài thị trường, Bộ Y tế yêu cầu theo dõi hiệu quả của loại vắc xin này trong 1 năm" - PGS.TS Lê Thị Luân dẫn chứng.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, trước những ca biến chứng, thậm chí tử vong sau tiêm chủng đã khiến một số bậc phụ huynh thêm nghi ngại về chất lượng vắc xin nội. Thay vì đưa con đi tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bà mẹ lại lựa chọn các điểm tiêm dịch vụ, thậm chí đòi hỏi tiêm vắc xin ngoại. GS Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bày tỏ lo ngại, việc năm nay bệnh sởi quay trở lại một phần là do nhiều phụ huynh không đưa con đi tiêm phòng. Nếu số lượng trẻ tiêm phòng quá thấp thì không chỉ có bệnh sởi bùng phát mà hàng loạt dịch bệnh khác ở trẻ nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia: Ho gà, bạch hầu, uốn ván… cũng sẽ bùng phát.

Để đẩy lùi dịch sởi và phòng chống nhiều căn bệnh nguy hiểm cho trẻ, theo các nhà nghiên cứu, Bộ Y tế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mặt khác, cần chú trọng tăng cường đầu tư kinh phí hơn nữa cho công tác nghiên cứu vắc xin thế hệ mới, từ đó góp phần đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vắc xin “Made in Vietnam”: Loay hoay tìm chỗ đứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.