Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vắc xin của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim

Bảo Hân| 06/06/2021 14:59

(HNMO) - Những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 vào tối 5-6 tại Hà Nội đã như lời hiệu triệu mạnh mẽ, lay động mọi trái tim. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều. Đây sẽ là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết, của niềm tin và trái tim kết nối trái tim...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, hoa cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Tường, 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng,  chống Covid-19. Ảnh: VGP

Chắt chiu hình thành nguồn lực quý báu

Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân với tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chống dịch hiệu quả nhất, với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất. Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch. Điều đó thể hiện hiệu quả lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo; phản ứng kịp thời, sát thực tiễn và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc.

Tuy nhiên, sau một năm rưỡi hoành hành, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, với những biến chủng mới nguy hiểm hơn. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục những kinh nghiệm bài học có được từ những giai đoạn trước để có biện pháp  phù hợp khống chế dịch, hạn chế những tác động xấu đối với kinh tế, xã hội; sớm đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường. Chuyển từ "phòng ngự" sang chủ động "tấn công” dịch bệnh. Và trong chiến lược này, vắc xin là “vũ khí” vô cùng quan trọng.

Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng kinh phí ước tính hơn 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, "sống chung với dịch bệnh" trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vắc xin lại không kéo dài, việc tiêm vắc xin phải tiến hành định kỳ. Tất cả những điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp.

Quỹ vắc xin được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 26-5-2021 đã đem đến niềm tin, hy vọng với người dân Việt, bởi đây là chủ trương đúng đắn. Có vắc xin tiêm chủng phòng ngừa cho đa số người dân mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Tiêm vắc xin đại trà chính là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.

Quỹ vắc xin được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Mỗi đóng góp của người dân vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đều hướng tới mục tiêu cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp, không kể ít hay nhiều, góp vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội. Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19.

Đến 22h ngày 5-6, tổng số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 là 6.600 tỷ đồng và 17 tỷ đồng tiền đóng góp nhận được qua tin nhắn.

Thường trực Thành ủy Hà Nội ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Trân trọng mọi đóng góp, không kể ít hay nhiều

Việc tiêm vắc xin không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi người, để giữ cho mình an toàn, từ đó giúp người khác an toàn trước đại dịch Covid-19.

Những ngày qua, kể từ khi Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 được Thủ tướng ký thành lập, không chỉ doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân, trên mọi miền của Tổ quốc, đều đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp cho quỹ. Làn sóng, phong trào ủng hộ không ngừng lớn mạnh và lan xa. Những con số của Quỹ vắc xin liên tục được cập nhật với niềm vui, sự hy vọng cộng dồn, lan tỏa mãi.

Mỗi đóng góp, dù từ vài trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức hay vài chục nghìn đồng của các em nhỏ, học sinh, sinh viên hay người già… đều được thấu hiểu và trân quý. Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ cảm động khi được biết, những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ. Kiều bào ở nước ngoài đã trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ, chung tay với Chính phủ lo cho người dân; và cũng sẵn sàng chi phí tiêm phòng cho người lao động trong doanh nghiệp.

Từ sự trân trọng ấy, việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ: “Đồng tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân. Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch và sử dụng Quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng, chống dịch tốt nhất cho nhân dân”.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong những ngày tới, khi nguồn cung vắc xin dồi dào hơn, ngành Y tế sẽ huy động tổng lực với hơn 12.000 cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động, thành phố Hà Nội đã ủng hộ 100 tỷ đồng cho quỹ và hưởng ứng mua vắc xin cho thành phố 1.000 tỷ đồng. Bày tỏ lời cảm ơn đến các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực quyên góp ủng hộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp tục kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần nhân ái, nghĩa tình và trách nhiệm cộng đồng, tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí để sớm thực hiện được mục tiêu quan trọng này.

Từ Thủ đô lan nhanh ra cả nước và vượt ra khỏi biên giới đất mẹ yêu thương, hưởng ứng cuộc vận động, phong trào quyên góp, ủng hộ cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 đang lớn mạnh, lan tỏa rộng khắp.

Dưới góc độ y học, vắc xin phòng, chống Covid-19 đang được chứng minh là giải pháp căn cơ, lâu dài và mạnh mẽ để chống lại dịch bệnh. Và liều vắc xin ấy, được hình thành từ sự chắt chiu, từ tình cảm yêu thương,từ trách nhiệm và sự chia sẻ của mỗi người dân với đất nước, xuất phát từ truyền thống nhân ái quý báu ngàn đời của dân tộc, thì chắc chắn hiệu quả phát huy sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định: "Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vắc xin của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.