Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vác tù và” giúp trẻ thiệt thòi

Thảo Nguyên| 11/12/2012 07:07

(HNM) - Câu chuyện cổ tích giữa đời thường về một ông lão ngoài 80 tuổi - ông Hà Xuân Định, ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội miệt mài rong ruổi trên khắp nẻo đường tìm những đứa trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật về để dạy nghề, tạo việc làm ổn định khiến nhiều người nể phục.


Cô bé Hà còn nhớ như in cái ngày được gặp ông Định ở ven đường quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Phú Xuyên. Thấy cháu bé không bình thường về trí tuệ, ông Định đã đến tận nhà, xin cho cháu về học nghề ở HTX sơn khảm Ngọ Hạ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên. Sau một thời gian học, Hà đã vững nghề, không kém người bình thường và được giữ lại HTX vừa làm vừa hướng dẫn cho các bạn vào sau. Mỗi tháng, Hà có thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Đây quả là điều kỳ diệu đối với gia đình em. Điều kỳ diệu đó còn đến với cậu bé Phan Thế Út ở Thanh Oai, Hà Nội. Khi Út tình cờ gặp và theo ông Định về học nghề, cuộc sống mới đã đến, chấm dứt những tháng ngày mặc cảm với đôi chân tàn tật. Nhờ chăm chỉ và sáng ý nên Út tiếp thu các kỹ thuật rất nhanh và hiện đã kiếm được tiền nuôi sống bản thân, bớt phần gánh nặng cho gia đình.

Đó chỉ là hai trong số hơn 2.000 trường hợp trẻ lang thang cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật được ông Định đưa về dạy nghề. Ông Định cho biết: "Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh nhưng đều chung một điểm là thiệt thòi và nghèo khó, cần được quan tâm giúp đỡ". Ông Định cho biết thêm cơ duyên đến với việc làm đầy ý nghĩa, nhân đạo này là từ năm 2001, khi một tổ chức nước ngoài về làng tuyển tình nguyện viên đi tìm trẻ lang thang, tật nguyền, để đưa về HTX sơn khảm Ngọ Hạ (cơ sở dạy nghề cho trẻ khuyết tật và thanh thiếu niên nghèo Maryknoll - Ngọ Hạ) để dạy nghề miễn phí. Điều kiện để làm tình nguyện viên là phải có tâm làm việc thiện và tự trang trải kinh phí cho những chuyến đi. Khi đó 70 tuổi, ông xung phong nhận việc làm này trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, thậm chí vợ ông thời gian đầu cũng ngăn cản. Song, thấy quyết tâm của ông bà cũng thuận lòng.

Từ những chuyến đi đầu tiên, ông rong ruổi khắp làng trên, xóm dưới tìm những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi và thuyết phục gia đình cho các cháu đi học nghề. Khởi đầu không mấy thuận lợi vì nhiều gia đình nghi ngại khi cho rằng không dưng lại có người đến xin cho trẻ khuyết tật đi học nghề miễn phí. Nhưng rút cuộc mọi người đã bị thuyết phục bởi một tấm lòng chân thực, nhân ái. Những đứa trẻ lần lượt lành nghề, có thu nhập đã tiếp thêm sức mạnh cho ông tiếp tục vươn tới chặng đường mới và xa hơn. Bước chân của ông đã in dấu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… Có chuyến đi dài cả tháng.

Ngoài thời gian đi tìm trẻ thiệt thòi, ông lại ra HTX để dạy nghề cho các cháu. Nhiều người cho rằng đó là những việc phi thường, nhưng với người đàn ông mồ côi, đã từng trải qua thời thơ ấu đầy khó nhọc, việc chia sẻ bất hạnh với những đứa trẻ kém may mắn là bình thường. Ông tâm sự: "May mà những năm cuối đời lại được làm việc đầy tâm huyết như thế này. Khi về với tiên tổ, có hơn 2.000 đứa trẻ là chừng đó bông hoa đưa tiễn, tôi sẽ thấy vui và toại nguyện lắm".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vác tù và” giúp trẻ thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.