(HNM) - Là phụ nữ, tôi cảm nhận từ sâu thẳm nỗi đau và nghị lực mạnh mẽ của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý vào
Đã có một thế hệ nhà văn như Dương Thị Xuân Quý nén lại tình riêng hòa vào đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, vừa sống, vừa chiến đấu, vừa viết. Để lại trong lịch sử cách mạng và thơ văn Việt Nam hôm nay những hình ảnh, những trang viết có lẽ không ở nhiều nơi trên thế giới này có được về hình tượng những nhà văn - chiến sĩ!
Khi nghĩ về thế hệ này, ta tự hỏi vì sao các nhà văn sẵn sàng lên đường vào nơi bom đạn? Hiện thực cách mạng ấy có ảnh hưởng thế nào đến con người nhà văn - con người sáng tạo? Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng kể về người bạn gái Hà Nội Dương Thị Xuân Quý lúc đi B có nói: "Văn xuôi không có thực tế đời sống thì không thể viết. Hiện thực ở miền Nam bây giờ lớn lao lắm, tao không thể yên ổn ngồi ôm con ở ngoài này trong khi ông Quốc và bao nhiêu người khác đang có mặt ở nơi gian khổ nhất. Chiến tranh, nước mình có ai sống yên ấm đâu. Bé Ly còn có bà, có các bác, các cô...".
Dương Hương Ly (bút danh của nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc, chồng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý) đã viết về vợ trong thi phẩm nổi tiếng "Bài thơ về hạnh phúc": "Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/Con Sông Giành gầm réo miên man/Nước lũ về... trang giấy nhỏ mưa chan/Em vẫn viết lòng dạt dào cảm xúc/Và em gọi đó là hạnh phúc". Có một điểm chung dễ thấy là các nhà văn đi vào chiến trường hòa quyện nhiều vai trò chiến sĩ - nhà báo - nhà văn. Họ bước đến từng đơn vị, sống, chiến đấu như một người lính, ở tâm điểm sự kiện như một nhà báo và viết như một nhà văn. Năm 2012 nhà phê bình Ngô Thảo từng chia sẻ với Hànộimới về quá trình sưu tầm, công bố những bản thảo của nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) cùng nhiều nhà văn - liệt sĩ khác. Một phần những tư liệu ấy được đưa vào cuốn "Dĩ vãng phía trước" - Tư liệu chuyện đời, chuyện văn một thuở (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012). Thực không có gì thuyết phục hơn là những trang viết còn như mang nguyên hơi nóng chiến trường. Nó minh chứng cho sự dấn thân ghê gớm của người cầm bút thời chiến.
Nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) đã hy sinh trong tư thế cầm súng ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1968 với một mảnh rốckét ghim vào ngực. Những gì kịp gửi lại chỉ là một chiếc bòng trong đó có bản thảo phần I tập ký "Ước mơ của đất", một vài chương tiểu thuyết "Ở xã Trung Nghĩa" và những trang ký viết dở...
Nhà báo, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh năm 1968 dưới hầm bí mật tại vùng giáp ranh đất Long An trong chuyến đi thực tế chiến trường để viết. Trong cuộc tiến công đợt 2 năm 1968 của bộ đội giải phóng, anh đã viết bài thơ với hình tượng "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ".
Nói về Nguyễn Mỹ, nhà văn Lê Minh Khuê viết: "Nguyễn Mỹ là một thanh niên giàu sức sống, có đủ điều kiện đi học nước ngoài tránh xa cuộc chiến tranh. Nhưng anh đã đeo ba lô lên đường và để lại bài thơ rực rỡ như tuổi trẻ của anh báo hiệu một tài năng không phải lúc nào cũng sản sinh ra được. Sự hy sinh của anh mãi còn ám ảnh chúng ta...".
Nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong ngã xuống năm 1971 khi chiến đấu đến cùng trong một trận vây của lính Mỹ từ công sự mật. "Nhật ký chiến tranh" của anh được coi như một tác phẩm văn học đặc biệt, chân thực - viết trong 4 năm, được một người lính quân đội Sài Gòn giữ và giao trả lại sau chừng ấy năm và 20 năm sau hòa bình mới được công bố.
Một nhà văn khác viết "Vào cái ngày 1-5-1975 trong cơ man niềm vui đến nghẹt thở, tôi mường tượng ra ở một cụm núi âm u, chị Dương Thị Xuân Quý từng sống thui thủi một mình suốt tháng ròng, ngày ra rẫy đuổi khỉ, đêm về đốt nứa ngồi viết thiên truyện ngắn "Hoa rừng"... Chị hy sinh ở vùng sâu, không có đồng đội bên cạnh...".
Chiến trường là vậy. Còn hiện thực nào dữ dội hơn, thử thách hơn và cũng vĩ đại hơn hiện thực nóng bỏng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc? Có thể kể đến rất nhiều gương mặt đã dấn thân trong những năm chống Mỹ, những tên tuổi của nền thơ văn đương đại như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm...
Có thể nói, thế hệ các nhà văn những năm chống Mỹ đã làm một chuyến "đi thực tế" có một không hai trong lịch sử dân tộc. Nhiều người sẵn sàng hy sinh để đổi lấy những trang viết chân thực, nhiều người ngã xuống khi mọi thứ vẫn còn ấp ủ, không ít nhà văn, nhà thơ trở nên nổi tiếng, sống trở về nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi "từ trường" của thời bi tráng ấy. Cũng lại có những cảm hứng bất ngờ mà ấn tượng như chiến sĩ quân giải phóng Hồ Ngọc Sơn, một người viết không chuyên với bài thơ sau này được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc "Khi chiếc lá xa cành/lá không còn màu xanh/Mà sao em xa anh/Đời vẫn xanh rời rợi...". Cũng không cần phải nói nhiều về những thành công của lớp nhà văn thời ấy, bởi một khi những câu thơ, hình tượng họ viết năm xưa đến nay vẫn còn lay động bao thế hệ người đọc.
Có một nhà văn đã nói: "Một nền văn học là gồm những tác phẩm, đã đành, nó còn gồm một kiểu nhà văn mà nền văn học ấy tạo nên. Có lẽ đấy là cái gốc". Ta tin thế và mong "kiểu nhà văn dấn thân" ấy sẽ được tiếp nối trong lớp người viết đi sau, dù đất nước đã 40 mùa xuân thống nhất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.