Theo dõi Báo Hànộimới trên

Uy tín của S&P: Trước nguy cơ tụt dốc

Kim Phượng| 29/08/2011 07:17

(HNM) - Trước sức ép về việc hãng xếp hạng tín dụng danh tiếng Standard & Poor's (S&P) hạ mức tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+, Chủ tịch S&P Deven Sharma đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng tới, trong khi đó Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra S&P và những hoạt động của hãng này liên quan đến chứng khoán cầm cố trong thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Nếu có sai phạm, độ tin tưởng về các đánh giá của S&P sẽ bị lung lay.

Công ty S&P liệu có những sai phạm như nghi ngờ của các quan chức Mỹ?

Cuộc điều tra được bắt đầu trước khi S&P hạ mức xếp hạng "vàng" AAA của Mỹ hồi đầu tháng 8, động thái đã đẩy thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn và gây ra cơn bão lửa chính trị tại Mỹ. Bộ Tư pháp nước này đang tìm hiểu xem liệu có phải những nhà phân tích của S&P muốn hạ thấp mức xếp hạng của những trái phiếu có thế chấp nhất định nhưng đã bị các nhà lãnh đạo ngăn cản do những lo ngại liên quan đến kinh doanh hay không?

Rõ ràng, bí mật trong tiến trình điều tra của S&P cùng uy tín và năng lực đánh giá phân tích của hãng này đang bị hoài nghi. Thêm vào đó, các nhà lập pháp Mỹ điều tra lý do vì sao S&P đã bỏ mức xếp hạng AAA của nước này. Cụ thể, Bộ Tư pháp muốn tìm những ví dụ cụ thể về việc các nhà phân tích của S&P đã tìm hiểu những thông tin nào để quyết định hạ thấp đánh giá về trái phiếu thế chấp của Mỹ, vào thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính. Chính phủ Mỹ nghi ngờ rằng các nhà phân tích của S&P muốn hạ thấp đánh giá trái phiếu thế chấp, nhưng những nhà điều hành kinh doanh của S&P đã làm ngược lại. Trong những năm bùng nổ, S&P và nhiều cơ quan xếp hạng tín dụng khác đã kiếm lợi nhuận cao kỷ lục bởi họ đưa ra xếp hạng cao nhất đối với rất nhiều tài sản "có vấn đề", nhờ đó, tài sản thế chấp bớt rủi ro và có giá trị cao hơn. Họ đã không dự đoán được sự sụt giảm sẽ đến trên thị trường bất động sản và phá hủy hệ thống tài chính. Từ cuộc khủng hoảng đến nay, hoạt động và mô hình kinh doanh của các tổ chức xếp hạng tín dụng này đã bị nhiều bên chỉ trích, trong đó có cả các chính trị gia Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội và nhiều báo cáo đặt câu hỏi về việc liệu các chuyên gia phân tích độc lập có "ăn tiền" để đưa ra nhận xét không chính xác. Các nhà hoạch định chính sách và một số quan chức chính quyền đã không ngừng đặt câu hỏi về quá trình làm việc của S&P, độ tín nhiệm của cơ quan này và trình độ năng lực của các chuyên gia phân tích thuộc S&P. Quan chức chính phủ Mỹ khẳng định đã tìm thấy lỗi trong cách tính toán nợ của S&P. Do đó nếu Bộ Tư pháp Mỹ tìm ra sai phạm của S&P, độ tin cậy về các đánh giá của S&P sẽ bị đảo lộn. Ngoài Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cũng đang điều tra những hành vi sai trái có thể có tại S&P và có thể cả hai cơ quan xếp hạng tín dụng lớn khác bao gồm Moody và Fitch.

Thực tế, suốt 70 năm qua, S&P luôn đánh giá Mỹ là quốc gia đứng vào hạng nhất về mức tín dụng quốc gia. Do vậy, việc S&P hạ xếp hạng tín dụng của cường quốc kinh tế số một thế giới từ mức AAA xuống AA+ là một cú sốc cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù trước đó các nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định tăng mức trần nợ công, nhưng S&P vẫn hạ mức tín dụng của Mỹ, vì cho rằng kế hoạch giảm thâm hụt tài chính của nước này chưa đủ hiệu quả. Dù gì đi nữa, cú đánh tụt chỉ số tín nhiệm tín dụng Mỹ của S&P là một lời phê phán nghiêm khắc tình trạng nợ công và cách thức đối phó đầy những ách tắc, trì trệ với bài toán bội chi hiện nay của Mỹ. Nhưng, tất cả dường như đang rẽ theo một ngả khác nhờ sự minh bạch và chỉ kết quả của cuộc điều tra mới có thể làm sáng tỏ những gì đã diễn ra sau các cuộc điều tra xếp hạng của S&P.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Uy tín của S&P: Trước nguy cơ tụt dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.