Cần làm rõ tính liên thông trong quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân với việc cấp hộ chiếu điện tử. Việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông phải đảm bảo chặt chẽ, có tính hợp lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, chiều 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Quan điểm của việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Một trong những điểm mới của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là đảm bảo yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh: Chính phủ quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và hạ tầng chữ ký số phục vụ việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến để khai tờ khai đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, khôi phục giá trị hộ chiếu, theo dõi kết quả giải quyết, nộp lệ phí.
Luật hóa việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh quy định, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: Hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử để người dân có quyền lựa chọn. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh quy định việc thu nhận vân tay, ảnh chân dung của người đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử lần đầu để phục vụ việc thu thập thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân trong trường hợp cơ sở dữ liệu về căn cước công dân chưa đáp ứng và chống làm giả, giả mạo nhân thân để được cấp hộ chiếu.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. |
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua. Trong đó, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu làm rõ thêm việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị, việc xây dựng cơ sở giữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết, giảm đáng kể những thủ tục hành chính khi cấp phát hộ chiếu cho công dân, tránh mất giấy tờ cho công dân. Nhưng Luật cần làm rõ thêm quy định có tính cơ sở định hướng trong việc khai thác cơ sở dữ liệu.
“Bộ Ngoại giao cho rằng nhiều trình tự cấp giấy tờ, hộ chiếu, hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ nên giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hướng dẫn”, ông Nguyễn Quốc Dũng đề nghị.
Phản biện lại ý kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc trình tự cấp giấy tờ, hộ chiếu hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hướng dẫn là không hợp lý. Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc này nên để Chính phủ quy định trong Luật.
Thống nhất cao với dự án Luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: "Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại kỹ lưỡng những điều khoản mà Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đưa ra. Cần kiểm tra lại kỹ lưỡng các bộ luật như: Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật dân sự… để Luật này đồng bộ, không bị chồng chéo đáp ứng việc ngăn chặn tội phạm trong nước và tội phạm nước ngoài thông qua việc xuất nhập cảnh. Công tác làm thủ tục, cấp hộ chiếu cần công khai, minh bạch".
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. |
Nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong Hiến pháp nước ta đã quy định công dân có quyền tự do đi lại, nhưng việc xuất cảnh, nhập cảnh công dân phải thực hiện theo Luật. Ngày nay, Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế sâu rộng nên việc đi lại của người dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước cần phải tuân thủ nghiêm theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Cho nên việc ban hành Luật là cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu quan điểm: "Trong xử lý vi phạm xuất nhập cảnh phải quy định thật rõ trách nhiệm của những người liên quan, những đối tượng vi phạm pháp luật nhưng lại xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thì phải xử lý khác so với người dân bình thường vô tình vi phạm Luật Xuất cảnh, nhập cảnh".
“Công chức, viên chức dùng hộ chiếu công vụ mà xuất cảnh, nhập cảnh trái phép với động cơ cá nhân thì phải xử lý ra sao? Việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh sẽ như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu câu hỏi.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh nhanh chóng là cần thiết nhưng phải đúng luật. Những hành vi nghiêm cấm trong Luật này phải bảo đảm chặt chẽ; trong đó có quyền, nghĩa vụ công dân trong việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử.
“Nên luật hóa Nghị định 94 của Chính phủ. Đối tượng nào thì được cấp hộ chiếu ngoại giao, đối tượng nào thì được cấp hộ chiếu công vụ”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc cấp giấy thông hành, Luật nên giao cho Chính phủ ra một Nghị định chung và yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao căn cứ chức năng nhiệm vụ để thực hiện. Luật càng cụ thể, càng minh bạch; nhất là việc khai thác, quản lý thông tin về cơ sở dữ liệu cần thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới các Điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương và nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật của nước ta. Do đó, đề nghị tiếp tục quan tâm làm rõ, rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, đặc biệt là sự tương thích với các điều ước quốc tế, các luật liên quan đến quản lý cư trú, quốc tịch, căn cước công dân,…
“Đối với một số quy định về trình tự, thủ tục giao cho Bộ trưởng quy định cụ thể, đề nghị các đồng chí rà soát để quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính cụ thể, khả thi, thống nhất với các Luật khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Luật tập trung quy định về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các vấn đề liên quan đến hoạt động này. Tuy nhiên, dự án Luật này có đặc thù, đó là: Nội dung mang tính pháp điển hóa cao, các quy định đa phần được kế thừa và nâng lên từ các nghị định và một số văn bản dưới luật khác. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định hiện có, xác định nội dung cần thiết phải quy định trong luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp và khả thi, nhất là nghiên cứu, bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý để nâng cao chất lượng quản lý đối với công tác này.
“Có ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định trong việc xử lý các sai phạm, vi phạm trong sử dụng hộ chiếu, trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện các quy định về xuất nhập cảnh, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho công dân được xuất nhập cảnh…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.