Theo kết luận của Ủy ban Giám sát Quyền riêng tư và Tự do công dân đưa ra trong dự thảo báo cáo công bố ngày 1/7, chương trình thu thập thông tin khổng lồ của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào các đối tượng nước ngoài là một công cụ hợp pháp và quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong dự thảo báo cáo, các thành viên của ủy ban - gồm năm nghị sỹ thuộc hai đảng do Tổng thống Barack Obama chỉ định, nhất trí cho rằng chương trình do thám của NSA giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố của chính phủ Mỹ, cũng như trong các hoạt động tình báo nước ngoài.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP) |
Chương trình này cho phép chính phủ hiểu rõ cách thức hoạt động, các ưu tiên cũng như chiến lược, chiến thuật của các tổ chức khủng bố. Thông tin của NSA cũng giúp giới chức lãnh đạo Mỹ nhận biết những nhân vật chưa từng được biết đến trong mạng lưới khủng bố quốc tế, góp phần phát hiện và ngăn chặn các âm mưu khủng bố nguy hiểm nhằm vào nước Mỹ và các quốc gia khác.
Dự thảo báo cáo cũng ủng hộ việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến chương trình do thám của NSA theo Mục 702 của Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA).
Mục 702 cho phép tiến hành chương trình thu thập thông tin của người dùng Internet - gọi tắt là PRISM, theo đó NSA thu thập thông tin tình báo nước ngoài thông qua các "ông lớn" Internet trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft và Apple. Dự thảo cho rằng chương trình do thám của NSA là trường hợp ngoại lệ và điều quan trọng là vẫn được tòa án theo dõi sát sao.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Quyền riêng tư và Tự do công dân, hơn 1/4 số báo cáo của NSA có nội dung liên quan đến hoạt động khủng bố quốc tế. Các báo cáo này được tổng hợp dựa trên thông tin thu thập phù hợp với quy định trong Mục 702. Tỷ lệ này gia tăng từng năm từ khi FISA được ban hành năm 2008.
Những kết luận đưa ra trong dự thảo báo cáo lần này của Ủy ban Giám sát Quyền riêng tư và Tự do công dân có phần trái ngược với những kết luận đưa ra hồi tháng Một. Trong báo cáo cũ, Ủy ban trên cho rằng các hoạt động thu thập cuộc thoại và thư điện tử của NSA đối với công dân Mỹ là vi hiến.
Nước Mỹ đã vướng vào vụ bê bối do thám đình đám sau khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden phơi bày toàn bộ sự thật về các hoạt động do thám trên diện rộng của các cơ quan tình báo Mỹ. Theo đó, NSA bị cáo buộc thu thập hàng triệu cuộc điện thoại, thư điện tử và dữ liệu mạng của tất cả các công dân Mỹ, đồng thời nghe lén nhiều nguyên thủ quốc gia kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ.
Tiết lộ động trời của Snowden đã gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Mỹ cả trong và ngoài nước, buộc các cơ quan lập pháp nước này phải nhanh chóng cải cách phương thức thu thập thông tin tình báo theo hướng không xâm phạm quyền riêng tư của công dân Mỹ trong khi vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia. Snowden trở thành "kẻ tội đồ" của nước Mỹ, phải trốn sang Nga và được Moskva cấp quy chế tị nạn có thời hạn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.