Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên trụ cột của “ABENOMICS”

Đình Hiệp| 22/03/2014 06:55

(HNM) - Hơn một tháng sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua ngân sách 95.880 tỷ yen (937,4 tỷ USD) tài khóa 2014 (từ ngày 1/4/2014 - 31/3/2015), Thượng viện do đảng Tự do Dân chủ (PLD) cầm quyền chiếm đa số của Thủ tướng Shinzo Abe vừa


Đây được xem là một khoản chi lịch sử của đất nước Mặt trời mọc kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng tốc trong cuộc đua lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều năm chìm trong suy thoái do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ ngày 1-4 tới có thể tác động đến nhu cầu nội địa.



Khoản ngân sách kỷ lục trên được lưỡng viện của Quốc hội Nhật Bản thông qua khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa năm tài khóa 2013 sẽ kết thúc. Đặc biệt là thời điểm kể từ ngày 1-4-2014, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu áp mức thuế tiêu dùng mới - lần đầu tiên trong 15 năm qua - từ 5% hiện nay tăng lên 8% và sẽ tiếp tục được nâng lên 10% vào năm 2015 nhằm giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào năm 2015 cũng như tiến tới thặng dư 5 năm sau đó. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế tiêu dùng không chỉ là bước đi cần thiết để Nhật Bản không chỉ kiểm soát khoản nợ công đã tăng 230% so với GDP, mà còn giúp nền kinh tế của đất nước hơn 127 triệu dân huy động thêm 8 nghìn tỷ yen (tương đương 81,42 tỷ USD)/năm. Song, việc áp mức thuế tiêu dùng mới có thể gây "cú sốc" cho nền kinh tế Nhật Bản, khi người dân cũng như các doanh nghiệp trong nước phải chịu tác động trực tiếp do vật giá leo thang và lạm phát có thể tăng.

Điều đó cũng lý giải vì sao khoản ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2014 của Nhật Bản lại đặt trọng tâm ưu tiên vào các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực tiềm tàng của thuế tiêu dùng mới với quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, nhấn mạnh đến việc triển khai các dự án công ích có tác động tích cực với nền kinh tế. Ngân sách cho năm tài khóa 2014 cũng đánh dấu lần đầu tiên chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật Bản vượt mức 30.000 tỷ yen, do tình trạng dân số già khiến lương hưu và chi phí y tế tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí quốc phòng cũng sẽ tăng năm thứ hai liên tiếp, lên tới gần 5.000 tỷ yen, trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh hoạt động giám sát các vùng biển do tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng gia tăng. Ngoài ra, 5.970 tỷ yen sẽ phân bổ cho các dự án công và có đến 5.440 tỷ yen cho chi tiêu về giáo dục, thúc đẩy khoa học, kỹ thuật...

Lên nắm quyền từ tháng 12-2012, chính sách phát triển kinh tế táo bạo mang tên "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe đã góp phần đưa nền kinh tế Nhật Bản hồi sinh. Tuy nhiên, các chỉ số mới đây cho thấy, mặc dù kinh tế tăng trưởng 1,6% trong cả năm 2013 nhưng đã chậm lại 0,3% trong quý cuối cùng của năm ngoái, thấp hơn so với con số dự kiến tăng 0,7% của các nhà kinh tế. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, thâm hụt thương mại trong tháng 2 vừa qua của nước này đã lên 800,3 tỷ yen (tương đương 7,88 tỷ USD), mức thâm hụt kỷ lục tính theo tháng và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 20 liên tiếp Nhật Bản thâm hụt thương mại.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại, mức thuế tiêu dùng mới, áp dụng từ ngày 1-4 tới, sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm và nền kinh tế nước này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Một yếu tố quan trọng khác được dư luận quan tâm là liệu các doanh nghiệp có tăng lương cho người lao động để giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước hay không, bởi tăng thuế tiêu dùng sẽ gián tiếp làm giảm nhu cầu mua sắm và kiềm chế sự phục hồi của nền kinh tế. Trước những khó khăn được dự báo, các đảng đối lập đã lên tiếng chỉ trích nội các đương nhiệm đang làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính vốn chưa ổn định của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Kiên định với chính sách phát triển kinh tế được thực hiện hơn một năm nay, trong phát biểu mới nhất tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, Thủ tướng S.Abe một lần nữa khẳng định: Nhật Bản sẽ "nỗ lực vượt qua tình trạng giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" thông qua triển khai hiệu quả gói ngân sách vừa được lưỡng viện thông qua. Trong đó, tăng trưởng kinh tế - một trụ cột của "Abenomics" - sẽ tiếp tục được nhà lãnh đạo S.Abe ưu tiên trong năm tài khóa tới nhằm giúp nền kinh tế xứ Phù Tang duy trì đà tăng tốc bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên trụ cột của “ABENOMICS”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.