Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên nước hồ thủy điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân

Thanh Mai| 19/04/2013 08:20

(HNM) - Miền Trung và Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Dù hầu hết các hồ thủy điện (HTĐ) đã xuống gần mực nước chết nhưng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ưu tiên chống hạn

Mới vào đầu mùa khô nhưng hầu hết HTĐ ở miền Trung và Tây Nguyên đã ở trong tình trạng cạn kiệt, một số hồ xuống đến mực nước chết. Lượng nước về các hồ thấp hơn rất nhiều so với trung bình hằng năm nên việc bảo đảm phát điện và cấp nước cho hạ du đặc biệt khó khăn. Một số nhà máy thủy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nay mực nước hồ thấp, để bảo đảm nhu cầu cấp nước cho vụ hè thu nên đã được tạm thời loại ra khỏi thị trường điện như nhà máy Hương Điền, A Vương, Sông Côn, Sông Ba Hạ, Krông H'Năng.

Công tác điều tiết nguồn nước phục vụ phát điện và cấp nước chống hạn đều được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: Ngọc Hà



Tại hồ B và C Thủy điện Vĩnh Sơn, nước hồ chỉ cách mực nước chết 20-30cm; hồ A cách mực nước chết 5,5m. Nếu chạy ở công suất đỉnh 13 ngày là phải ngừng chạy máy. Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Nguyễn Trâm cho biết, lưu lượng xả qua tua-bin phát điện trong mùa khô của nhà máy cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với lượng nước về hồ. Hiện, lượng nước về HTĐ A Vương chỉ khoảng 8m3/s, trong khi thực hiện phát điện luân phiên 1 tổ máy có lượng xả khoảng 13m3/s. Với mực nước hiện có, nếu chạy cả hai tổ máy trong 8 ngày sẽ về mực nước chết.

Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Buôn Tua Srah là bậc thang trên của NMTĐ Buôn Kuôp và Sêrêpôk 3, vận hành với lưu lượng xả trung bình 98m3/s, vận hành khoảng 8-10 giờ/ngày để vừa phát điện, vừa cung cấp nước cho hạ du với tổng lượng xả khoảng 4,358 triệu mét khối/ngày trong 3 tháng qua. Nhà máy đang phát điện ở vùng dưới mức hạn chế, công suất thấp hơn thiết kế. Nếu trong 45 ngày nữa mà không có mưa, HTĐ Buôn Tua Srah về mực nước chết.

Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đang yêu cầu lưu lượng nước chạy máy qua NMTĐ Ka Nak là 18m3/s để đưa nước về hạ lưu, cung cấp nước sinh hoạt cho huyện An Khê, Kông Chro (Gia Lai) và nước sản xuất nông nghiệp của thị xã An Khê. NMTĐ An Khê cũng duy trì lưu lượng qua máy 25m3/s để cấp nước cho lưu vực sông Côn...

Cần có thêm hệ thống thủy lợi

Sau cuộc họp bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 124/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Theo đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt của nhân dân, chăn nuôi gia súc…

Trước tình hình nêu trên, một đoàn công tác liên ngành đã đến các địa phương miền Trung, Tây Nguyên làm việc với UBND các tỉnh và ngành liên quan thống nhất lịch xả nước của các NMTĐ. Quan điểm của Tổng cục Thủy lợi là rút ngắn thời vụ, xả tập trung, tránh kéo dài lãng phí nguồn nước. Điều tiết hài hòa nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Trên cơ sở lượng nước trong HTĐ tính đến hiện tại cùng với dự kiến lưu lượng nước về hồ trong mùa khô (phương án tần suất nước về 75%), EVN tính toán, NMTĐ A Vương đáp ứng nhu cầu xả nước được gần 50%; Buôn Tua Srah hơn 101%; Sông Côn 2: 78,19%; Sông Tranh 2: 58,27%; Đác Mil 4: 80,58%; Trị An: 252,22%; sông Ba Hạ và sông Hinh: 147,68%...

Theo các chuyên gia, xu hướng thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng, khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên ngày càng gay gắt. Miền Trung, Tây Nguyên có đặc thù địa hình dốc, khi có lũ thì lên nhanh, nhưng cũng nhanh cạn. Về lâu dài, cần nghiên cứu, xây dựng các hồ thủy lợi nhằm trữ, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Thông báo số 124/TB-VPCP cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, quy hoạch nguồn nước, quy hoạch sản xuất để phát triển hồ chứa phù hợp lưu vực cung cấp nguồn nước, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ở miền Bắc, việc xả nước và lấy nước được triển khai tập trung, đồng bộ, thống nhất từ ngành chức năng, các chủ hồ thủy điện và đến nông dân. Miền Trung, Tây Nguyên lại không được như vậy nên các địa phương cần tính toán nhu cầu sử dụng nước sát thực tế. Tăng cường sửa chữa, bảo dưỡng, nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, hệ thống thủy lợi; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân lấy nước tập trung để bảo đảm hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nước hồ thủy điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.