Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên nâng cao chất lượng phục vụ

Tuấn Lương| 22/06/2015 06:32

(HNM) - Từ nay đến năm 2020, các bến xe (BX) của Hà Nội không tăng thêm lượt, chuyến (trừ những ngày lễ, tết) đối với các bến đang đông khách.

Các BX và doanh nghiệp (DN) vận tải tập trung nâng cao chất lượng phục vụ; Sở GT-VT Hà Nội rà soát lại biểu đồ, tần suất chạy xe cho phù hợp, bảo đảm tính kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố và kết nối với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân...

Đó là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại buổi họp nhằm hoàn chỉnh quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến năm 2020 được tổ chức đầu tháng 6-2015.

Theo Sở GT-VT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 10 BX khách liên tỉnh, trong đó có 6 BX chính là: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Yên Nghĩa. Hầu hết các BX đều nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố, hoặc nằm trên các tuyến đường trục kết nối với đường vành đai, rất thuận tiện đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các bến nói trên đang phục vụ 540 tuyến vận tải hành khách từ Hà Nội đi 42 tỉnh, thành phố. Thống kê cho thấy, có tổng cộng 404 DN vận tải hành khách với 4.591 phương tiện đăng ký hoạt động vận tải liên tỉnh với Hà Nội. Trong đó, các DN của Hà Nội chỉ chiếm 15% với 1.263 phương tiện. Tổng khối lượng vận chuyển hành khách liên tỉnh ước đạt 61 triệu lượt, bình quân hằng năm tăng 8,25%. Trong số các BX, bến Mỹ Đình có lưu lượng xe xuất bến lớn nhất (trên 1.600 lượt xe xuất bến/ngày), Nước Ngầm lưu lượng thấp nhất (224 lượt xe/ngày).

Hà Nội sẽ không tăng thêm lượt, chuyến đối với những bến xe đông khách. Ảnh: Nhật Nam


Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh nhận định, việc có bến đông, có bến lại vắng khách là do nhu cầu đi lại ở các khu vực khác nhau dẫn đến việc thu hút DN vận tải cũng như hành khách ở các bến khác nhau. Một số BX chưa có sự kết nối hiệu quả với các phương tiện giao thông công cộng khác, chất lượng dịch vụ cũng chưa cao cho nên chưa hấp dẫn hành khách… Bên cạnh đó, do một số bến đã quá đông như Mỹ Đình, Giáp Bát, phải hạn chế xe vào hoạt động, trong khi nhu cầu đi lại vẫn cao dẫn đến phát sinh xe dù, bến cóc, xe chạy sai hành trình, vượt tuyến… gây mất trật tự, ùn tắc giao thông xung quanh các khu vực này.

Trong quy hoạch đến năm 2020, Sở GT-VT Hà Nội đề xuất cần quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố theo tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm; phân bổ luồng tuyến căn cứ theo tổ chức giao thông đối nội, đối ngoại và mức chất lượng dịch vụ mà BX cung ứng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa đơn vị vận tải và DN kinh doanh BX; Ưu tiên bố trí luồng tuyến từ các tỉnh, thành phố vào các BX ở Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến như: Các tuyến theo quốc lộ (QL) 1, QL1B, QL5 đi vào BX Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, QL6 vào BX Yên Nghĩa; các tuyến theo hướng QL32, cầu Thăng Long vào BX Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào BX Giáp Bát và BX Nước Ngầm. Một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cự ly gần như Hà Nội - Bắc Ninh chuyển thành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuyến kế cận…

Đóng góp vào dự thảo quy hoạch, đại diện Công an thành phố đề nghị, trong thời gian tới chỉ nên sắp xếp lại các luồng tuyến cho hợp lý. Việc điều chuyển luồng tuyến (nếu có) cũng chỉ nên thực hiện trên tinh thần tự nguyện của DN và căn cứ trên nhu cầu đi lại của hành khách. Các bến được tăng chuyến phải bảo đảm hạn chế ùn tắc giao thông một cách tối đa. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách ưu tiên cho các bến có vị trí không "đắc địa" nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh BX.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Giai đoạn từ nay đến năm 2020, các BX đang đông khách trên địa bàn không được tăng thêm lượt, tuyến mà chỉ được bố trí xe tăng cường thêm trong các ngày cao điểm dịp lễ, tết nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, các BX cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Các tuyến mới ưu tiên bố trí vào các BX Nước Ngầm và Yên Nghĩa để tận dụng công suất còn dư và giảm chi phí đầu tư. Sở GT-VT Hà Nội khẩn trương rà soát lại biểu đồ, tần suất chạy xe cho phù hợp, xử lý nghiêm tình trạng xe dù bến cóc, bảo đảm tính kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước, kết nối với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân với giá thành hợp lý, tiện nghi, an toàn và hài hòa lợi ích của DN - xã hội.

Trung tâm Tư vấn phát triển GT-VT (thuộc Trường Đại học GT-VT) đã điều tra xã hội học với 2.500 hành khách tại 6 BX. Hơn 80% hành khách được phỏng vấn đánh giá tốt về các BX trên khía cạnh tiếp cận bến, khu đón trả khách, thông tin và dịch vụ trong bến cũng như tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng. Đa số người dân lựa chọn BX Mỹ Đình để thực hiện chuyến đi. Điều này lý giải vì sao lưu lượng xe xuất bến ở Mỹ Đình là nhiều nhất. Hơn nữa, đây là khu vực mới phát triển, là trung tâm của các trường đại học, cao đẳng và các khu đô thị mới với mật độ dân số cao. Trong đó, các quận: Bắc Từ Liêm có mật độ 7.391 người/km2; Nam Từ Liêm 7.216 người/km2; Cầu Giấy 18.741 người/km2…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nâng cao chất lượng phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.