Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tuyết Hoàn| 13/02/2015 06:43

(HNM) - Năm 2014 vừa qua, cùng với việc các nội dung của Chiến lược Phát triển KH&CN địa phương lần đầu tiên được đưa vào Chiến lược Phát triển KH&CN cho tới năm 2020, Luật KH&CN sửa đổi cũng chính thức có hiệu lực được xem là những tiền đề cho KH&CN các địa phương giải bài toán khó về

Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Ảnh: Thanh Hải



Chuyển biến tích cực


Với sự ra đời của Luật KH&CN và chính thức có hiệu lực từ năm 2014, hoạt động KH&CN tại các địa phương đã bước đầu có những chuyển biến đáng ghi nhận. Theo ông Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN): Chỉ trong vòng hơn một năm, các sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành gần 400 văn bản quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN ở địa phương. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý phục vụ công tác quản lý, tạo đà để hoạt động KH&CN ở địa phương ngày một chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao. Năm 2014, các tỉnh, thành phố đã triển khai được gần 1.300 đề tài, dự án, trong đó có 317 đề tài, dự án có kết quả nổi bật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án, đề tài tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng với 109 đề tài, miền núi phía Bắc có 68 đề tài, Đồng bằng sông Cửu Long có 58 đề tài… Các đề tài, dự án có kết quả nổi bật chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Ngành KH&CN nhiều địa phương cũng báo hiệu sẽ khởi sắc với việc thành lập và đưa vào hoạt động
Quỹ Phát triển KH&CN. Quỹ đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN vay để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Ngọc Luật, số địa phương có quỹ hiện còn ít, mới chỉ tính ở mức hàng chục. Nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập quỹ thì đây sẽ là nguồn lực lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách các tỉnh, thành đầu tư cho phát triển KH&CN.

Ngoài ra, các địa phương đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đổi mới để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các đề tài, dự án KH&CN phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí, doanh nghiệp đầu tư 70% kinh phí. Các kết quả nghiên cứu đã có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sát với thực tiễn. Đây cũng là một động lực góp phần tăng tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình quốc gia về KH&CN do Thủ tướng phê duyệt như: Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi; Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao; Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia...

Gắn với yêu cầu của địa phương

Trong thời gian tới, KH&CN địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hướng mạnh tới các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Những lĩnh vực được chú trọng là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hóa. Các địa phương cũng xác định sẽ tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở liên kết phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, tạo môi trường hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN đối với nông thôn - miền núi sẽ được thực hiện hiệu quả hơn với việc tăng cường ứng dụng nhanh KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, theo nhận xét của Vụ trưởng Hồ Ngọc Luật, các sở KH&CN cần có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tăng tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm và huy động tiềm lực của doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm, đưa nhanh kết quả vào sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh công tác thống kê và giám sát, đánh giá hoạt động KH&CN ở địa phương. Đặc biệt, để sẵn sàng tham gia Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, các địa phương cần tập trung nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ hiện đại, công nghệ cao, trước hết là đối với các ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn; tăng cường các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ then chốt, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.