Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên dùng đất sau khi di dời các công trình khỏi nội đô vào mục đích công

H.Vân| 09/12/2011 12:12

(HNMO) – Sáng 9/12, trong phiên chất vấn tại hội trường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi đã đăng đàn trả lời nhóm vấn đề về giao thông, nổi bật là việc chậm tiến độ trong thực hiện các dự án giao thông, chậm di dời các trụ sở ra khỏi nội đô.


GPMB vẫn là khâu vướng, gây chậm tiến độ trong tất cả các dự án giao thông

Trả lời việc chậm tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 1,2,3; các dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, đường Quốc lộ 32, đường Quốc lộ 5 kéo dài…, gây ùn tắc giao thông và diễn ra tình trạng tái lấn chiếm, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, các dự án thực hiện chậm chủ yếu do quy hoạch chi tiết hai bên đường chậm, công tác GPMB khó khăn do cơ chế, chính sách, thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế của chủ đầu tư chậm, công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền chưa quyết liệt...

Với Dự án đường vành đai I có tổng chiều dài 23km, đã hoàn thành 17km. Hiện Thành phố đang triển khai các đoạn: Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái dài 548 m, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dài 547m; đang lập dự án đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài khoảng 2,2km.

Đoạn Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu đang thu hồi đất và thực hiện công tác bồi thường GPMB các hộ dân còn lại, dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2012, xây dựng công trình xong vào năm 2013.

Đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục hiện chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến phê duyệt dự án đầu tư năm 2012; thực hiện thu hồi đất, GPMB năm 2013; xây dựng công trình hoàn thành năm 2016.

Với Dự án đường Vành đai II dài 43 km, ở đoạn Vĩnh Tuy – Ngã tư Vọng, dài khoảng 3,2 km, hiện đang thẩm định chỉ giới đường đỏ, dự kiến phê duyệt dự án trong năm 2012, thu hồi đất, GPMB năm 2013, xây dựng công trình hoàn thành năm 2016; Đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở dự kiến thực hiện thu hồi đất và bồi thường GPMB năm 2012, xây dựng công trình hoàn thành năm 2016; Đoạn Nhật Tân – Xuân La – Bưởi – Cầu Giấy dài khoảng 6,4 km hiện đang tiến hành lựa chọn đơn vị thi công, dự kiến khởi công trong Quý I/2012, hoàn thành năm 2015; Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu dài khoảng 8,4 km hiện nay đang triển khai thi công phần mố trụ cầu, nền đường, công tác GPMB dự kiến hoàn thành trong quý II/2012, dự kiến thi công cầu và đường hoàn thành năm 2014; Phần đường trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã tư Vọng dài khoảng 3,2 km dự kiến phê duyệt Dự án năm 2012, khởi công vào quý IV/2012, hoàn thành năm 2014; Phần đường 5 kéo dài dài 13,32km hiện đã xong 9/10,5 km nền đường, chuẩn bị thảm và hoàn thành trong năm 2013.

Về Dự án đường Vành đai III
dài khoảng 65 km, từ Cầu Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - cầu Phù Đổng 2 (vượt Sông Đuống) - giao với Quốc lộ 1 cũ cách Cầu Đuống khoảng 3,5 km về phía Bắc - theo đường 18 (phía Nam sông Cà Lồ) - giao đường 18 với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, hiện đã hoàn thành Cầu Thăng Long dài khoảng 3,5Km, Đoạn từ Bắc Thăng Long đến Nội Bài dài khoảng 11,7Km đã được đầu tư với mặt cắt 23m, đoạn Nam Thăng Long – Mai Dịch dài khoảng 5,5 km đã đầu tư mặt cắt 23m…

Về các đoạn đang triển khai, ở đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (đường trên cao) có chiều dài 8,9 km, đang triển khai các gói thầu: Gói thầu số 1: Đoạn Mai Dịch - Trung Hoà, Gói thầu số 2: Đoạn Trung Hoà – Thanh Xuân, Gói thầu số 3: Đoạn Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm. Dự kiến sẽ hoàn thành năm 2012. Trong đó, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long được triển khai đầu tư năm 2013-2014; đoạn Ninh Hiệp đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đoạn từ Ninh Hiệp đến nút giao Thạc Quả trùng với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu đầu tư, dự kiến triển khai từ năm 2013, hoàn thành năm 2016.

Về Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây, dự kiến trong tháng này bàn giao mặt bằng khu vực hai bên đầu cầu để thi công và thông xe phần cầu vượt Hoàng Hoa Thám quý I/2012, hoàn thành toàn tuyến trong Quý III/2012.

Về Dự án quốc lộ 32,
đến ngày 02/9/2011 dự án đã hoàn thành thông xe phần mặt đường trên toàn tuyến (riêng hạng mục mở rộng cầu Diễn đã hoàn thành). Các hạng mục còn lại (cây xanh, vỉa hè, hầm đi bộ, nút giao đường sắt và kết nối hạ tầng khu vực, trong đó khối lượng công việc lớn nhất là 4 hầm đi bộ) dự kiến hoàn thành trong quý I/2012.

Về Dự án đường 5 kéo dài (Cầu Chui – Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long) dài 13,32km, trên địa bàn Đông Anh đã thi công xong khoảng 9,0 km/10,5 km nền đường, một số đoạn đang thi công các lớp kết cấu mặt đường, chuẩn bị thảm, hoàn thành năm 2013. Trên địa bàn Long Biên (dài gần 3km) đang thi công nền đường và hầm cho người đi bộ. Đối với cầu Đông Trù, đã thi công xong toàn bộ thân, bệ mố trụ (trừ 4 trụ trên địa bàn xã Đông Hội còn vướng mặt bằng), hiện đang thi công kết cấu phần trên. Đến nay, dự án vẫn còn một số diện tích chưa hoàn thành GPMB, gồm:12 thửa đất nông nghiệp thuộc xã Xuân Canh; 18 hộ thu hồi đất đường gom, kênh mương tại xã Vĩnh Ngọc; diện tích đất kẹt giữa QL3 cải tuyến và đường 5 kéo dài để di chuyển đường điện 110KV và đường ống xăng dầu quân đội, 10/106 hộ đất ở thuộc xã Đông Hội chưa cho kê khai kiểm đếm, 20 hộ dân xã Xuân Canh chưa đo đạc kiểm đếm do chờ tái định cư.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND Thành phố chỉ đạo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn chủ động phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa với huyện Đông Anh tiếp tục theo tiến độ hoàn thành GPMB; phối hợp các ngành giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB, giá cả, điều chỉnh tổng mức đầu tư và tạm ứng, thanh toán khối lượng thi công; Kiên quyết thay thế nhà thầu không còn khả năng, năng lực thực hiện gói thầu; Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu lập kế hoạch thi công trong tháng, giao ban giải quyết vướng mắc khó khăn, kiểm điểm tiến độ hàng tuần.


Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi


Đến 2015: Hà Nội sẽ có thêm gần 30 điểm, bãi đỗ xe


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số khu vực đỗ xe như: Hải Bối, Đền Lừ, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, dọc đường vành đai 3 (Linh Đàm - cầu Thanh Trì), triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm tại các vị trí: đường Trần Nhân Tông, Vườn hoa Vạn Xuân, Công viên 19/8 và xây dựng bãi đỗ xe ngầm chủ yếu dưới các nhà cao tầng.

Việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm công cộng của các nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố chưa được triển khai là do một số nguyên nhân chủ yếu như quy hoạch mạng lưới các điểm bãi đỗ xe và việc giới thiệu địa điểm, chuẩn bị đầu tư…của các ngành còn chậm; Cơ chế ưu tiên đầu tư theo phương thức xã hội hóa chưa đồng bộ; chi phí đầu tư xây dựng công trình bãi đỗ xe ngầm rất lớn; trong khi đó, cơ chế về giá dịch vụ trông giữ phương tiện hiện nay chưa tạo điều kiện khuyến khích được các nhà đầu tư; Một số vị trí triển khai theo quy hoạch nhưng đã chuyển sang mục đích khác như: vũ trường Tràng Thi, Công ty Nhựa Hà Nội…

Để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh và quy hoạch GTVT trong năm 2012; khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải, trong đó có hệ thống giao thông tĩnh, xác định một số khu vực đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nhà đỗ xe cao tầng với công nghệ tiên tiến, chiếm ít diện tích đất; ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng; rà soát năng lực tài chính các nhà đầu tư, thay thế nhà đầu tư không đủ năng lực, chậm tiến độ cam kết….

Dự kiến, từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 9 nhà đỗ xe cao tầng, 4 bãi đỗ xe ngầm và 15 điểm đỗ xe trong các khu đô thị. Các sở, ngành khi thỏa thuận quy hoạch, dự án, thiết kế, cấp phép xây dựng công trình cũng phải đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe của bản thân công trình và dành 20-30% diện tích đỗ xe cho nhu cầu đỗ xe công cộng.

Sẽ tiếp tục tổ chức thêm một số tuyến phố đi bộ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, việc tổ chức tuyến phố đi bộ dọc các tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường - Đồng Xuân vào tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần đã bước đầu phát huy được hiệu quả.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, lập xong Đề án tổ chức một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với phạm vi là các tuyến Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường - Đồng Xuân, Lê Thái Tổ - Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng và một số đoạn tuyến tại các phố khu vực hồ Hoàn Kiếm như: Tràng Tiền, Lê Lai, Lê Thạch…Dự kiến Đề án sẽ được phê duyệt trong quý I/2012 và từng bước thực hiện trong giai đoạn 2012-2014.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hoài Nam về mục đích thiết kế các tuyến phố đi bộ chủ yếu cho giao thông hay du lịch, thương mại, Phó chủ tịch cho biết, các tuyến phố đi bộ được xây dựng nhằm mục tiêu tạo không gian văn minh, đô thị, kết hợp du lịch, thương mại.

Ưu tiên dùng đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở vào mục đích công cộng

Chất vấn của các đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Hoạt, Nguyễn Xuân Diên về việc di dời các bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô và việc xử lý diện tích đất đó sau khi di dời được Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương di dời một số nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, Thành phố đã chỉ đạo và di dời một số nhà máy như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, Dệt 8-3… Một số trụ sở các cơ quan bộ ngành Trung ương đã được đầu tư xây dựng ra ngoài khu vực nội đô như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…

Đối với các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo do Thành phố quản lý thuộc diện di dời, thực hiện theo nguyên tắc: Xác định nguồn lực ngân sách Thành phố hàng năm để đầu tư hoặc có thể nghiên cứu đầu tư theo hình thức xã hội hóa; Xác định cơ chế tạo quỹ đất đấu giá nhằm tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Thành phố để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn các quận, huyện, thị xã theo quy hoạch được duyệt và ưu tiên đầu tư tại các khu vực, địa bàn (nơi đến) phục vụ việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo; Việc khai thác địa điểm cũ của các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo thuộc diện di dời sẽ ưu tiên chủ yếu cho mục đích công cộng, tăng diện tích phục vụ chung cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Nếu chuyển đổi mục đích thì thực hiện thông qua hình thức đấu giá nhằm tập trung kinh phí thực hiện việc di dời.

Đối với các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo (các bệnh viện tuyến Trung ương, các Trường Đại học…), triển khai các dự án di dời bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, UBND Thành phố quản lý thông qua việc chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án theo quy định.

Đối với các cơ sở sản xuất, UBND Thành phố đã đưa ra kế hoạch di dời toàn bộ 142 cơ sở nhà đất phải di chuyển với tổng diện tích sử dụng đất là 260,15 ha; trong đó có 127 cơ sở sản xuất công nghiệp với diện tích 247,27 ha (56 cơ sở do Trung ương quản lý, 56 cơ sở do Thành phố quản lý, 15 cơ sở của các HTX) và 15 cơ sở sự nghiệp với diện tích 12,88 ha…Hiện đã có 22 đơn vị thực hiện di dời với 19,17 ha.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Phó Chủ tịch, các đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Hoạt tiếp tục “truy” vấn về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đất của các trụ sở sau khi được di dời chủ yếu biến thành các khu chung cư cao tầng, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, đó là những tồn tại do lỗi quy hoạch trước khi có quy hoạch chung Thủ đô, còn kể từ khi Chính phủ ban hành quy hoạch chung của Thủ đô, chủ trương của Thành phố là kiên quyết đưa diện tích đất sau khi di dời các trụ sở vào mục đích công cộng.

Sắp xếp lại các điểm trông giữ xe từ 1/1/2012

UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND các quận thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý hè phố, lòng đường, quản lý hoạt động bán hàng rong theo quy định của UBND Thành phố.

UBND các quận, phường đã nhận thức được trách nhiệm và tổ chức triển khai thực hiện những nội dung quy định của UBND Thành phố, tổ chức giải tỏa các vi phạm kinh doanh buôn bán, để phương tiện trên hè phố, lòng đường; rà soát, sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện đối với các tuyến trong danh mục; tổ chức hướng dẫn người dân để phương tiện theo quy định đối với những tuyến phố khác.

Nhìn chung, kết quả thực hiện duy trì công tác quản lý hè phố, lòng đường đã có những chuyển biến ban đầu. Tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện không đúng quy định có giảm .

Tuy nhiên, việc thực hiện không được thường xuyên, thiếu quyết liệt, thiếu sự quan tâm đúng mức, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong việc kiểm tra, đôn đốc, duy trì thực hiện các quy định về quản lý hè phố, lòng đường. làm cho tình trạng lấn chiếm hè phố để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện không đúng quy định trên nhiều tuyến phố ở địa bàn một số quận, phường tiếp tục xảy ra, nhất là khi không có lực lượng kiểm tra, xử lý.

Để khắc phục tình trạng này, Thành phố sẽ cho rà soát, thu hồi các điểm trông giữ phương tiện trên hè phố, lòng đường làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm; thống nhất việc sắp xếp các điểm đỗ xe trên các tuyến phố từng quận, triển khai từ ngày 01/01/2012; yêu cầu UBND các quận, phường phải xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác quản lý trật tự đô thị, không để lấn chiếm hè phố, lòng đường, trình UBND Thành phố và thực hiện từ tháng 01/2012; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để xảy ra tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm.

Khi được các đại biểu chất vấn việc xử lý chính quyền các cấp trong việc để xảy ra vi phạm lấn chiếm lòng, hè đường, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, thời gian qua, chưa có cấp chính quyền nào bị xử lý do để xảy ra các sai phạm này nhưng Thành phố đã xử lý khoảng 4.500 tổ chức, cá nhân lấn chiếm lòng, hè đường, thay doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong việc trông giữ phương tiện trên địa bàn Hoàn Kiếm…

Đã thu hồi 10 dự án “treo” với tổng diện tích hơn 5ha

Một điểm mới tại kỳ họp lần này là HĐND Thành phố đã tiến hành tái chất vấn các kết luận chất vấn tại kỳ họp trước. Những vấn đề được nêu ra tái chất vấn là về việc xử lý các dự án treo, việc quy hoạch địa điểm để xây dựng trụ sở TAND Thành phố và việc xây dựng các trường mầm non cho 6 phường trong nội thành. Tuy nhiên, vấn đề được các đại biểu quan tâm và chất vấn nhiều nhất là việc xử lý các chủ đầu tư để dự án chậm triển khai.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Xuân Diên, Phạm Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Mai Sương về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, qua tổng hợp, các dự án chậm triển khai trên địa bàn có 3 nguyên nhân cơ bản: chậm do GPMB, chậm hoàn thành và chậm khởi công theo quy định của luật.

Về các dự án chậm do vướng GPMB, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung giải quyết được 52 dự án xong về GPMB. Trong số 118 dự án đã được rà soát, các dự án vướng mắc chính là về quy hoạch nhưng cũng có 16 dự án chưa triển khai do chủ đầu tư có khó khăn về năng lực, tài chính, 16 dự án có nguyên nhân phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền trong GPMB chưa tốt. Với những dự án vướng mắc do chủ đầu tư thiếu năng lực, Phó Chủ tịch cho biết, nếu tình hình không cải thiện, Thành phố sẽ tiến hành thu hồi.

Về các dự án chậm triển khai hoàn thành theo quy định của luật, cụ thể là các dự án chậm quá 24 tháng so với thời gian thi công cho phép, Thành phố đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án, xử lý phạt hành chính một số dự án khác và nếu các dự án này còn tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành thu hồi.

Về các dự án chậm khởi công sau 12 tháng kể từ khi được giao đất trên thực địa, Thành phố đã xử lý 3 dự án và sắp tới nếu không khắc phục cũng sẽ bị thu hồi.

Theo tổng hợp, trong năm 2011, nếu gộp các dự án chậm tiến độ thuộc cả 3 nhóm trên, Thành phố đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền phạt 1,4 tỷ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000m2.

Về việc công khai các đơn vị có dự án treo, Phó Chủ tịch cho biết, tất cả các đơn vị có vi phạm đất đai đều được thể hiện trong các văn bản báo cáo. Trang web của Sở Tài nguyên Môi trường cũng công khai tên, địa chỉ của tất cả các đơn vị phải làm thủ tục thu hồi đất. Những đơn vị khác chậm thực hiện dự án do  có khó khăn khách quan và đang tập trung quyết liệt tháo gỡ, thực hiện thì Thành phố  không nêu tên lên các phương tiện thông tin.

Về việc giao đất dịch vụ, theo Phó Chủ tịch, tính đến thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, toàn bộ diện tích đất dịch vụ đã lên tới gần 1.000 ha. Bằng nhiều nỗ lực, Thành phố hiện đã bố trí được 455ha và cố gắng hoàn thành việc giao đất cho dân theo đúng thời hạn cho phép.

“Quan điểm của Thành phố là thực hiện nghiêm túc quy định của luật và các văn bản cam kết của chính quyền với dân”, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên dùng đất sau khi di dời các công trình khỏi nội đô vào mục đích công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.