(HNM) - Ngày 24-2 (giờ Mỹ), tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã rời thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến công du tới 9 nước Châu Âu và Trung Đông.
Các điểm dừng chân lần lượt là Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Qatar. Đây là chuyến làm việc đầu tiên của ông J.Kerry tới các khu vực này trên cương vị Ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống Barack Obama. Lịch trình chuyến công du cho thấy ưu tiên của Nhà Trắng trong quan hệ với các đồng minh tại Châu Âu cũng như mong muốn cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo khi chọn các quốc gia Arập làm điểm dừng chân ngay trong chuyến công du đầu tiên của vị Ngoại trưởng xứ Cờ hoa. Đây là điểm khác biệt của cựu chiến binh từng phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam với lựa chọn của người tiền nhiệm Hillary Clinton - người đã đến Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức.
Thủ tướng Anh D.Cameron (phải) và Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry tại số 10 phố Downing, London (Anh) ngày 25-2. |
Minh chứng đầu tiên cho sự ưu tiên của Nhà Trắng là các cuộc gặp ngày 25-2 tại thủ đô London (Anh) giữa ông J.Kerry và Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron và người đồng cấp William Hague. Cuộc rút quân tại Afghanistan và nợ công Châu Âu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu với đồng minh gần gũi nhất của Mỹ tại Châu Âu. Tại Berlin (Đức), theo tin từ Nhà Trắng và dư luận Châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhấn mạnh với lãnh đạo Đức về quan hệ hợp tác bất biến xuyên Đại Tây Dương. Còn tại Paris (Pháp), ông J.Kerry sẽ gặp gỡ các quan chức ngoại giao chủ nhà để thảo luận về cuộc can thiệp không đơn độc của Pháp đang diễn ra ở Mali. Tại Rome (Italia), Ngoại trưởng Mỹ dự kiến tham gia một hội nghị quốc tế đặc biệt với đại diện của phe đối lập Syria bàn thảo về giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài suốt 23 tháng qua tại Syria.
Với thế giới Hồi giáo, Ai Cập là chặng dừng đầu của Ngoại trưởng J.Kerry với các cuộc gặp giới lãnh đạo nước này cũng như cộng đồng dân cư và Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi tại thủ đô Cairo. Tuy không dừng ở Isarel với lý do quốc gia Do Thái đang bận rộn thành lập Chính phủ mới nhưng, chuyến công du nước ngoài mở màn cho nhiệm kỳ Ngoại trưởng của ông J.Kerry đã khẳng định Trung Đông vẫn là một trọng tâm ngoại giao của chính quyền Mỹ trong 4 năm tới.
Thực tế, ông J.Kerry nhậm chức Ngoại trưởng vào đúng thời điểm Mỹ thực hiện chính sách "hướng trọng tâm vào Châu Á". Điều này đã thu hút mối quan tâm của dư luận tại Lục địa già. Và, thách thức lớn nhất của tân Ngoại trưởng J.Kerry là phải thuyết phục được người Châu Âu tin rằng, Cựu lục địa vẫn là quan tâm hàng đầu với Washington. Sự khác biệt trong lựa chọn so với người tiền nhiệm H.Clinton trong chuyến công cán đầu tiên càng khẳng định về một sinh khí mới trong chính sách đối ngoại Mỹ với một chân dung mới: J.Kerry. Tuy nhiên, không vì thế thông điệp "trở lại Châu Á - Thái Bình Dương" của người tiền nhiệm vì thế mà mờ nhạt. Ngược lại, đích đến của tân Ngoại trưởng Mỹ cho thấy, Washington sẽ tập trung "can dự" sâu hơn vào các vấn đề ngắn hạn để theo đuổi hiệu quả mục tiêu lâu dài. Thực hiện trọng trách của đất nước, theo Ngoại trưởng J.Kerry, đối ngoại Mỹ sẽ phải thiết thực về hiệu quả và nhất quán về định hướng chính. Mỹ đã có điều chỉnh chiến lược cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không vì thế mà xao nhãng những khu vực có lợi ích chiến lược lâu nay của Washington. Mỹ luôn coi Châu Âu là đối tác tự nhiên trên một loạt vấn đề quan trọng, gần đây nhất là cuộc xung đột ở Mali, cùng với các vấn đề như vũ khí hạt nhân ở Iran, các vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu... Bất chấp việc Mỹ hướng trọng tâm sang Châu Á, quan hệ thương mại Mỹ - Châu Âu vẫn thống trị toàn cầu. Sự đảo chiều trong đường lối ngoại giao ở buổi bình minh nhiệm kỳ Tổng thống mới của Mỹ không gì khác là tiếp tục củng cố vị thế mà Mỹ vốn có tại Trung Đông - mỏ dầu của thế giới - đang được các cường quốc hướng đến. Bên cạnh đó, một nguyên cớ được cho là có lý khi tân Ngoại trưởng Mỹ chọn Châu Âu là điểm đến đầu tiên là J.Kerry, con một nhà ngoại giao đã có thời thơ ấu sống ở Berlin và có quan hệ thân tộc tại Pháp; đồng thời nói được cả tiếng Pháp lẫn tiếng Đức. Nhưng, vượt lên tất cả là tân Ngoại trưởng J.Kerry được biết đến như một nhân vật luôn theo đuổi mục tiêu tăng cường quan hệ Mỹ - Châu Âu.
Dẫu chuyến thăm kéo dài 10 ngày của tân Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry được coi là "chuyến công du lắng nghe" nhưng rõ ràng củng cố và xây dựng nền tảng quan hệ mới với đồng minh Châu Âu và Trung Đông cũng như mối quan tâm với các quốc gia Arập sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại Mỹ thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.