(HNM) - Tồn kho sản phẩm công nghiệp (CN) tăng cao (26%) và xuất khẩu (XK) dù tăng trưởng hơn 22% nhưng các mặt hàng XK có giá trị lớn nhất như dệt may, nông sản lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, giảm cả về giá và lượng XK. Vì vậy, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để sản xuất và XK về đích là nhiệm vụ ưu tiên của ngành công thương trong những tháng cuối năm.
Sản xuất và xuất khẩu đều khó khăn
Theo Bộ Công thương, sản xuất CN 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng thấp, đặc biệt là nhóm ngành CN chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động cầm chừng do khó khăn về đầu ra. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có các chủ trương hỗ trợ DN sản xuất, song vẫn còn những "rào cản" DN tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất.
Xuất khẩu thủy sản là một trong những mặt hàng gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2012. Ảnh: Huy Hùng |
Mặc dù XK là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nhưng việc thực hiện mục tiêu kim ngạch XK cả năm 2012 là 109,5 tỷ USD (tăng 13%) sẽ rất khó khăn do không chỉ giá XK giảm mà thị trường bị thu hẹp khi khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, giá nông sản giảm mạnh khiến kim ngạch nhóm hàng hóa này giảm 916 triệu USD, XK than đá giảm 61 triệu USD. Mặt hàng dệt may, giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK chung cả nước, nhưng cũng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2011 do phụ thuộc vào thị trường XK chính như EU.
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, XK thủy sản sang EU giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italia giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011…
Cần khai thông thị trường
Bộ Công thương đã xác định, xử lý hàng tồn kho để giúp DN duy trì sản xuất và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá cũng như phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cung cầu, an sinh xã hội. Bộ Công thương đã ban hành danh mục thiết bị sản xuất trong nước, vì vậy Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu hợp lý của các thiết bị thuộc danh mục này để kích thích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT xuống 5% cho DN bởi việc giảm thuế này sẽ tác động trực tiếp đến việc hạ cơ cấu giá thành sản phẩm, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Đồng thời, cũng đề nghị NHNN mở rộng đối tượng được vay cho tất cả các DN, không hạn chế đối tượng như Thông tư số 14 quy định bởi có nhiều DN thuộc đối tượng bị hạn chế đang có đóng góp lớn cho ngân sách của nhà nước.
Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ được Bộ Công thương tiếp tục triển khai nhằm khai thông thị trường trong 6 tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng, như Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Australia. Đồng thời, công tác thông tin sẽ được thực hiện đồng bộ để kịp thời đưa ra các dự báo sát thị trường và sớm phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa XK Việt Nam tại các thị trường nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh.
Nhằm tạo điều kiện cho DN XK tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính triển khai Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30-8-2011 của Chính phủ; đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế XK, thuế nhập khẩu. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, XK.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.