(HNM) - Trong quý I-2016, TP Hồ Chí Minh chiếm gần 45% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng mức độ tăng trưởng này chưa xứng với tiềm năng, trong khi đó ưu thế phát triển du lịch vẫn ở dạng tiềm năng.
Du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh có nhiều ưu thế nhưng chưa được phát triển. |
Tại cuộc họp giữa UBND TP Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp du lịch vừa diễn ra ngày 20-4, vấn đề tồn đọng nhiều năm nhưng địa phương này chưa thể khắc phục để ổn định và phát triển môi trường du lịch đã được đem ra bàn bạc. Các doanh nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân khiến ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang mất dần ưu thế, trong đó nổi bật là vai trò trung chuyển hàng không quốc tế đã mờ nhạt, khiến thành phố mất đi một lượng khách quốc tế đến tham quan.
Cụ thể là trước đây, nước ta chỉ có 3 sân bay quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây hàng loạt sân bay địa phương được nâng cấp thành sân bay quốc tế như: Phú Bài (Huế), Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Thơ. Từ sự thuận lợi này, hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã mở chuyến bay thẳng đưa khách du lịch miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà không phải quá cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, khiến lợi thế và địa điểm trung chuyển đã không còn. Trong khi đó, năm 2015, Sân bay Tân Sơn Nhất bị du khách nước ngoài đánh giá nằm trong nhóm 10 sân bay tệ nhất Châu Á vì các nguyên nhân như: Quá tải, thủ tục rườm rà, mất cắp, cơ sở vật chất xuống cấp, thái độ phục vụ kém của nhân viên...
Ngoài ra, các địa điểm, dịch vụ cho khách tham quan khi đến với TP Hồ Chí Minh bao năm qua cũng chỉ quanh quẩn với: Trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện thành phố, một số bảo tàng và địa đạo Củ Chi. Ông Jime Hosan, du khách đến từ Australia cho biết: "Hằng năm, tôi thường đến Thái Lan - Việt Nam và Campuchia để du lịch. Trong đó, đây là lần thứ 2 tôi đến TP Hồ Chí Minh, nhưng tôi cảm nhận nơi đây đang thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng và các loại hình giải trí cũng đơn điệu. Ngoài đi tham quan vài bảo tàng và uống bia ở phố Bùi Viện, tôi chỉ về khách sạn ngủ mà không biết đi đâu".
Cảm nhận chung của nhiều du khách là TP Hồ Chí Minh đang thiếu vắng sự kiện tầm vóc quốc tế để thu hút khách tìm đến. Ngược lại, các địa phương khác đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm độc đáo để thu hút du khách như: Đà Nẵng đã rất thành công với lễ hội bắn pháo hoa quốc tế, Đà Lạt có festival hoa, Vũng Tàu có festival diều, Nha Trang có festival du thuyền quốc tế... Ông Trần Thế Dũng - Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ cho biết: "TP Hồ Chí Minh chỉ có thể phát triển mô hình du lịch đô thị, nhưng so ra chúng ta làm sao cạnh tranh được với đô thị của Thái Lan, Singapore. Nhiều năm liền du khách quốc tế đã nhàm chán vì không có điểm gì mới vì thế họ không muốn quay lại".
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh phát triển mô hình du lịch đường sông nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Bà Trần Anh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho biết: “Khai thác tuyến du lịch đường sông đang gặp nhiều khó khăn, cho đến thời điểm này khách du lịch chỉ đi được đoạn ngắn từ Quận 1 đến Quận 3 với lượng hạn chế. Trong đó, đợt du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua chỉ có khoảng 100 du khách/ngày, trong đó 70% là khách nội”.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng du lịch TP Hồ Chí Minh chưa được chú trọng do chỉ khi có khách nhen nhóm thì đơn vị mới bắt đầu đầu tư một cách manh mún, dè chừng và tự phát mà thiếu sự liên kết với các hãng lữ hành. “Chúng tôi rất thương những người bỏ tiền ra đầu tư du lịch, đầu tư cho các làng nghề ven sông, đầu tư thuyền để chở khách trên kênh Nhiêu Lộc nhưng họ cần quyết liệt kêu gọi hãng lữ hành đưa vào sản phẩm du lịch, để thu hút khách tìm đến” - ông Trần Thế Dũng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.