(HNM) - Ngày 17-11, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học".
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học (GDĐH) đã luôn được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Những cơ chế tài chính linh hoạt được Chính phủ ban hành đã tạo động lực quan trọng giúp các cơ sở GDĐH công lập nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy tiềm năng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội và làm tăng nguồn tài chính cho nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cơ chế tài chính đối với GDĐH vẫn tồn tại một số bất cập cần tiếp tục được đổi mới cho phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn mới.
Để tìm ra một cơ chế tài chính phù hợp nhằm xây dựng một nền giáo dục đại học hiện đại chất lượng, hiệu quả, các đại biểu đến từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm thực hiện mục tiêu này. Nhiều đại biểu đã nêu những ý kiến trong việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực GDĐH; xây dựng những cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực GDĐH. Theo đó, sẽ đề xuất việc giảm thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư vào những lĩnh vực đào tạo mà xã hội hiện có nhu cầu cao như tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực khoa học xã hội. Đối với những lĩnh vực cần đào tạo chuyên sâu như: năng lượng, nguyên tử, khoa học công nghệ... Nhà nước sẽ xây dựng những cơ chế đãi ngộ thích hợp về học phí nhằm thu hút sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu.
* Ngày 17-11, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro do thiên tai.
Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 10 năm trở lại đây (2001-2010) thiên tai đã làm chết và mất tích 9.500 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,5 tỷ USD. Thiên tai ở Việt Nam rất đa dạng, mang tính đặc thù vùng miền, miền Bắc là lũ, lốc, lụt, động đất, sạt lở đất, lũ quét; miền Trung chủ yếu là bão, lũ, lụt; miền Nam nước dâng, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông… Hội nghị đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai liên quan đến các vấn đề nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo, gắn trách nhiệm cho cơ quan cảnh báo thiên tai; tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước và vai trò của cộng đồng địa phương; tích cực triển khai bảo hiểm thiên tai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.