Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ước nguyện cho "thế giới ngày mai"

Nữ Quỳnh| 03/11/2013 06:00

(HNM) - Lúc 2h45 ngày 1-11, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Đó là một bé gái xinh xắn, được cả nước chào đón.

Từ sáng sớm, khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm "nữ công dân tí hon" này thì trên các báo điện tử, mạng xã hội đã có rất nhiều, rất nhiều lời chúc mừng tốt đẹp nhất dành cho cô bé. Mạnh khỏe, hạnh phúc… là lời ước nguyện mà mọi người muốn gửi gắm. Đó không chỉ là điều mong muốn với riêng công dân thứ 90 triệu mà còn với tất cả trẻ em đã và sẽ có mặt trên đất nước hình chữ S này.

90 triệu, con số đánh dấu mốc đặc biệt cho cơ cấu "dân số vàng" của Việt Nam. Tuy nhiên, từ lâu rồi sức ép dân số đã đè nặng lên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ một ngày trước khi công dân thứ 90 chào đời, một loạt thông tin về những vụ ngược đãi trẻ em lại gây chấn động dư luận: Một bé trai 3 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị giam cầm, bị dúi tàn thuốc lá, đánh bầm mắt, bỏ đói… phải đi ăn xin lấy tiền cho người lớn. Nhìn hình ảnh của bé thì ngay cả những người cứng rắn nhất cũng không kìm được nỗi xót xa. Trong một thế giới nơi mà "người với người sống để yêu nhau" tưởng như sẽ không có chỗ cho sự bất nhân, nhưng thật đáng buồn là vẫn còn không ít những vụ ngược đãi, xâm hại nghiêm trọng với trẻ em của những kẻ đội lốt người nhưng mang tâm hồn của cầm thú. Trong những năm gần đây, dư luận liên tục được nghe, chứng kiến và choáng váng với những vụ bạc đãi trẻ em nghiêm trọng xảy ra ở khắp nơi, từ những vùng thôn quê nghèo khó, nơi thị thành phồn hoa, thậm chí cả trong các cơ sở giáo dục, nuôi dạy trẻ.

Rất đáng buồn nhưng đấy là sự thật, những sự thật đau lòng. Nhưng đáng tiếc là, sau mỗi một vụ ngược đãi, lạm dụng, xâm hại trẻ em, dù có chấn động dư luận, thì dường như cũng chỉ ào lên trong chốc lát. Báo chí xôn xao, người dân xúm tay chia sẻ, rồi cơ quan quản lý vào cuộc xử lý. Xong thì đâu lại vào đấy!

Cái nghèo, cái khó vẫn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những bi kịch của nhiều đứa trẻ. Nhưng cái đáng sợ hơn chính là sự vô cảm của xã hội, sự thiếu trách nhiệm của mỗi con người khi hầu hết các vụ hành hạ, ngược đãi con trẻ đều diễn ra trong thời gian dài, hàng xóm biết, chính quyền biết… chỉ thiếu người ngăn cản, thiếu sự bảo vệ kịp thời của chính quyền. Có vẻ như, nhiều người xem đó như chuyện "đèn nhà ai, nhà nấy rạng".

Năm 2013, Việt Nam được xếp thứ 63 trong danh sách khảo sát mức độ hạnh phúc trên thế giới do LHQ tiến hành. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều tiến bộ về quan tâm đến trẻ em, sớm tham gia Công ước LHQ về Quyền trẻ em. Nhưng ngày nay vẫn còn nhiều trẻ em đang chịu cảnh thiệt thòi. Hy vọng một tương lai không xa, chúng ta sẽ không còn phải nghe những câu chuyện buồn về những đứa trẻ bị đối xử tàn tệ, mỗi một người có lương tri sẽ không phải day dứt, xót xa về những cảnh đời thơ bé bị hắt hủi, xâm hại… Và để niềm hy vọng ấy trở thành hiện thực, lòng nhân ái cần được nhân lên trong mỗi con người để mỗi con trẻ ra đời là một niềm hạnh phúc và niềm hạnh phúc sẽ được nhân lên trong một xã hội nhân ái tràn đầy yêu thương để thế giới ngày mai ngập tràn hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước nguyện cho "thế giới ngày mai"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.