Mưa xuân mơn man trên cành cây, ngọn cỏ, đậu đầy trên những tấm kính cửa sổ, nơi tôi ngồi học. Đã mấy năm nay, mẹ tôi không ăn Tết ở nhà với chị em tôi. Mẹ đi giúp việc trên Hà Nội. Mẹ nói, làm mười ngày Tết, lương bằng cả tháng. Mẹ con mình chịu khó vài năm dành dụm lấy tiền thay cái mái nhà bằng tấm lợp bê tông cho khỏi lo mưa nắng.
Mưa xuân mơn man trên cành cây, ngọn cỏ, đậu đầy trên những tấm kính cửa sổ, nơi tôi ngồi học.
Đã mấy năm nay, mẹ tôi không ăn Tết ở nhà với chị em tôi. Mẹ đi giúp việc trên Hà Nội. Mẹ nói, làm mười ngày Tết, lương bằng cả tháng. Mẹ con mình chịu khó vài năm dành dụm lấy tiền thay cái mái nhà bằng tấm lợp bê tông cho khỏi lo mưa nắng.
Tôi thương mẹ và hiểu mẹ nhiều, cố gắng thay mẹ chăm chút cu Sơn để mẹ an tâm, cho dù những ngày Tết không có mẹ thật buồn. Chị em tôi mong cho đến ngày mồng bảy Tết để mẹ tôi về, khi ấy gia đình tôi mới thực sự đón Tết.
Và mẹ tôi đã về. Mẹ mang theo khá nhiều quà, nào là đồ ăn, đồ dùng và cả quần áo nữa. Mẹ tôi nói:
- Vài ngày trước Tết, dọn nhà, họ bỏ đi nhiều thứ lắm. Mẹ tiếc, gom nó lại để mang về. Đối với họ là cũ, là thừa, còn với mình thì vẫn dùng tốt.
Tôi không quên hỏi mẹ về không khí đón Tết ở Hà Nội ra sao.
- Thế Tết ở trên ấy thế nào, mẹ kể cho chúng con nghe đi, chắc không giống quê mình đâu mẹ nhỉ?
- Phải rồi, giống sao được con! Chỉ cần một buổi chiều của ngày nghỉ cuối năm là ông bà chủ mang về nhà không thiếu một thứ gì, kể cả cây cảnh... Sau đó, họ chỉ việc bày biện rồi cả nhà cùng chuẩn bị cho mâm cơm cúng đón Giao thừa, chứ không phải như quê mình, cắt lá dong trước đó cả tuần, rồi đãi đỗ, vo gạo để gói bánh. Mồng một Tết, mọi thành viên trong gia đình dậy sớm, mặc quần áo đẹp, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp và mừng tuổi từng người. Mẹ cũng được nhận những lời chúc và tiền mừng tuổi.
Cu Sơn sốt sắng hỏi mẹ:
- Thế mẹ được mừng tuổi mấy nghìn?
Mẹ nhìn chị em tôi rồi từ từ nói:
- Không phải là mấy nghìn đâu con ạ …
Mẹ tôi chưa nói hết câu, cu Sơn đã nhảy cẫng lên mà reo:
- Sao mẹ không cho chị Mai và con lên với, có phải được nhiều tiền mừng tuổi không?
Tôi liền kéo tay nó ngồi xuống để câu chuyện của mẹ không bị ngắt quãng.
- Tiền mừng tuổi của mẹ là tiền của một người lao động làm việc vào ngày nghỉ, các con không thể theo mẹ được.
Rồi mẹ lấy ra một tập tiền 2.000 đồng mới cứng.
- Đây là tiền mừng tuổi của mẹ, trị giá là hai trăm ngàn đồng đấy. Bác chủ nhà biết mẹ thích tiền 2.000 đồng vì mẹ nói quê mình chỉ dùng tiền này để mừng tuổi thôi nên bác cho mẹ tiền này. Ấy thế mà cô cháu cưng mới bốn tuổi của bác ấy bảo mẹ: "Tiền này của bác chỉ mua được tăm thôi". Đấy, bé như thế mà đã biết so sánh tiền to hay tiền bé đấy nên mẹ có dám mừng tuổi lại cho cô bé ấy đâu.
Tôi chạnh lòng một chút. Khổ thân, lúc ấy chắc mẹ tôi cũng ngại ngùng lắm. Rồi mẹ rút từ tập tiền mới ra mừng tuổi hai chị em tôi mỗi đứa hai tờ. Cu Sơn sung sướng reo to:
- Con đi mua bim bim đây.
Còn lại tôi ngồi bên mẹ. Gục đầu vào lòng mẹ, tôi nũng nịu:
- Con cũng mừng tuổi mẹ đây. Tôi dúi ngược lại hai tờ tiền mới vào tay mẹ, ngẩng mặt đón nhận nụ cười và ánh mắt trìu mến từ khuôn mặt dịu hiền và khắc khổ của mẹ. Rồi tôi lại thủ thỉ:
- Sang năm con mười bốn tuổi rồi. Con có thể đi làm giúp mẹ trong dịp Tết để mẹ con mình càng nhanh sửa được nhà, mẹ nhé!
Mẹ vuốt tóc tôi rồi nói nghiêm nghị:
- Con cứ cố gắng học cho giỏi, trông em ngoan là mẹ vui rồi. Công việc kiếm tiền chưa phải của con.
Rồi mẹ tôi cắt ngang câu chuyện bằng cách ấn vào tay tôi bó lá mùi to tướng :
- Thôi con đi đun nước lá thơm, chờ em về, ba mẹ con mình cùng tắm gội cho thơm để đón Tết nhé. Tết của mẹ con mình muộn nhưng vui đúng không nào?
Tôi làm theo lời mẹ như một chiếc máy mà trong tâm trí vẫn mê mải tưởng tượng về Tết ở Thủ đô, nơi mà tôi chỉ được nhìn qua vô tuyến. Tôi mong một ngày tôi sẽ được đến đó để tận mắt chứng kiến Tết của người Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.