(HNM) - Chắc hẳn đến lúc này, nhiều người vẫn rùng mình khi nhắc tới vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tối 8-11 trên cầu vượt Thái Hà - Tây Sơn làm gần chục người thương vong.
Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án. Nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, xử lý thấu đáo khi có kết luận điều tra. Tuy nhiên, qua vụ việc này, một lần nữa, vấn đề ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông lại được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Theo camera giao thông, camera hành trình trên chính các phương tiện, trước khi gây ra vụ tai nạn đáng tiếc trên, chiếc xe taxi có va chạm với phương tiện khác rồi bị truy đuổi, chèn ép lẫn nhau dẫn tới vụ tai nạn thương tâm. Chính chiếc taxi đã "chở miễn phí" một người truy đuổi trên nắp ca pô một quãng đường khá dài.
Chuyện tài xế, đặc biệt là tài xế taxi "chở người", thậm chí là lực lượng chức năng đang thi hành công vụ trên nắp ca pô, không phải lần đầu diễn ra, có điều cách hành xử thiếu kiềm chế, manh động nói trên xảy ra trước đó chưa gây hậu quả nghiêm trọng như vụ tai nạn giao thông tối 8-11. Như trên đã nói, kết luận cuối cùng về vụ tai nạn sẽ sớm được công bố, nhưng có thể thấy cách ứng xử thiếu văn hóa, nếu không muốn nói bất chấp luật pháp là nguyên nhân chính dẫn tới những hành vi phản cảm khi tham gia giao thông và hoàn toàn có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Giá như các lái xe biết kiềm chế, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông chắc chắn sẽ không xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc tối 8-11. Giá như, giá như…
Đáng tiếc, trên thực tế, rất nhiều điều giá như tưởng chừng đơn giản đó đã không diễn ra. Tình trạng tranh thủ vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, lấn làn, cướp đường, chèn ép lẫn nhau vẫn diễn ra khá phổ biến cả trên đường nội thị lẫn quốc lộ. Có vụ, chỉ vì quá manh động nên khi xảy ra va chạm, có đối tượng thậm chí còn đem cả vũ khí nóng ra để đe dọa, xử lý lẫn nhau. Tất cả những điều đó cho thấy, ý thức tuân thủ luật giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay còn rất hạn chế.
Cách ứng xử thiếu văn hóa là nguyên nhân gây ra những bức xúc không đáng có, hoàn toàn có thể là "ngòi nổ" dẫn tới hậu quả khó lường, mà việc "chở người" trên nắp ca pô, gây tai nạn khi trốn chạy là ví dụ điển hình. Xây dựng văn hóa giao thông đã, đang là mục tiêu của ngành Giao thông và các địa phương. Tuy nhiên, xây dựng văn hóa giao thông không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng và chính những người tham gia giao thông.
Văn hóa giao thông sẽ chỉ được thể hiện khi việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ được tuân thủ nghiêm túc và lực lượng chức năng không bị tác động bởi những yếu tố khách quan. Nói thì dễ nhưng đó là một chặng đường dài, đòi hỏi không chỉ ý thức của người tham gia giao thông mà cả sự quyết liệt, "chí công vô tư" của mỗi cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.