Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử thiếu văn hóa

Hà Vũ| 29/09/2010 05:29

(HNM) - Dư luận mấy ngày nay nổi lên một chuyện không vui về việc trùng tu, tôn tạo thành nhà Mạc (Tuyên Quang)


Thành nhà Mạc được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. 5 năm trước, trên báo xuất hiện những tin tức xót xa về sự hoang phế, mai một của tòa thành đã trải 418 năm lịch sử này. Thế là, dự án trùng tu thành nhà Mạc ra đời với đầy đủ thủ tục theo luật định, dĩ nhiên là có cả Luật Di sản. Dự án được phê duyệt năm 2007, đến nay đã hoàn thành. Điểm nhấn của di tích là hai cổng thành nhà Mạc. Thay vào cảnh trí rêu phong nhuốm màu thời gian, dự án "trùng tu, tôn tạo" đã đắp lên 2 cổng thành mới tinh. Người chưa từng biết đến thành nhà Mạc hoặc không có điều kiện so sánh với tòa thành cũ, có lẽ sẽ vui mừng lắm. Bởi trông vào đó, họ sẽ tưởng rằng, Tuyên Quang lại có thêm khu vui chơi giải trí mới. Còn những người đã từng biết di tích thành nhà Mạc trước đây hay có hình ảnh, tư liệu để so sánh thì sẽ đi từ kinh ngạc đến tức giận. Người dân quanh vùng, cư dân trên mạng gọi cổng thành nhà Mạc bây giờ là "cái lò gạch". Thật là đau xót!

Điều đau xót nhất là bây giờ muốn khôi phục lại hình ảnh thành nhà Mạc trước khi "trùng tu, tôn tạo", các chuyên gia giỏi nhất có lẽ cũng phải ngậm ngùi "bó tay". Bởi gạch cũ đã đổ đi rồi, rêu phong cũng bị giẫm nát, tìm lại làm sao! Có những sai lầm có thể sửa chữa. Nhưng đây là một sai lầm không thể khắc phục. Chúng ta chỉ còn biết gạt nước mắt vì đã vĩnh viễn mất đi tòa thành xưa cũ. Ấy thế mà, dự án trùng tu, tôn tạo này còn đưa ra cả nguyên tắc: "Nghiêm cấm không được làm thay đổi, biến dạng di tích gốc và phải bảo đảm giữ nguyên di tích gốc hiện có" (Báo Lao động). Ai cũng hiểu, nguyên tắc này đại diện cho pháp luật, cho kỷ cương, cho quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước và cả tình cảm, lương tâm của con người. Nhưng tất cả đã bị những người thực hiện dự án gạt ra ngoài.

Một điểm nữa, dự án này đã tiêu tốn ngân sách do người dân đóng góp đến gần 10 tỷ đồng. Những người có trách nhiệm liên quan không chỉ có tội với quá khứ mà còn nặng tội với hiện tại, chưa kể với tương lai. Trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử không thể làm được khi thiếu tiền, nhưng thừa tiền mà không có kiến thức và lương tâm thì di tích văn hóa, lịch sử sẽ trở thành chứng tích cho sai lầm và ngu dốt. Thành nhà Mạc là một nơi như thế.

Cả nước có hàng vạn di tích văn hóa, lịch sử. Việc trùng tu, tôn tạo vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của người đời nay với cha ông và con cháu mai sau. Rất nhiều khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo đúng mục đích, mang lại giá trị cao hơn cho di tích. Nhưng những dự án như trùng tu, tôn tạo thành nhà Mạc nói trên cảnh báo rằng, chỉ một chút lơ là, thiếu trách nhiệm, ý nghĩa cao đẹp của việc trùng tu, tôn tạo di tích sẽ bị tiền bạc đè bẹp. Đằng sau đó, chúng ta sẽ mất rất nhiều, không chỉ mất tiền, mất di tích, mà còn mất lòng tin vì thái độ ứng xử thiếu văn hóa với di tích lịch sử văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử thiếu văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.