Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử hài hòa để vẹn tròn Tết Việt

Bảo Khánh| 04/01/2020 05:44

(HNMCT) - Những năm gần đây, ở nước ta xuất hiện một số ý kiến về việc có nên bỏ Tết Nguyên đán hoặc hướng đến những phương thức ăn Tết mới để thích hợp với điều kiện của xã hội hiện đại, trong khi đó dư luận đa phần cho rằng Tết là di sản vô giá do cha ông để lại nên cần phải gìn giữ, bảo tồn... Rõ ràng trong một xã hội hiện đại luôn có sự giằng co, đan xen giữa những giá trị cũ và giá trị mới, thì quan điểm về Tết cổ truyền cũng không phải là ngoại lệ.

Tiếp khách sáng mùng Một Tết. Ảnh: Lê Ngọc Bích

Phải chăng Tết đã nhạt dần?

Gần Tết, dạo qua mạng xã hội, thỉnh thoảng lại bắt gặp dòng trạng thái: “Đang yên đang lành, tự nhiên lại... Tết”. Có vẻ như xã hội càng hiện đại, người ta càng bớt đi những háo hức mong chờ, thậm chí có chút e ngại khi Tết đến, xuân về. Tết với những tục lệ bắt buộc phải có bắt đầu gây ra sự phiền hà với những người đề cao cái tôi cá nhân. Thậm chí một bộ phận nhỏ cho rằng nên bỏ Tết. Với họ, Tết với kỳ nghỉ kéo dài sẽ làm giảm năng suất làm việc, gián đoạn kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài, gây thiệt hại kinh tế... Những ý kiến kiểu này cho rằng, hằng năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho một cái Tết. Họ lập luận, Tết trở thành cái cớ cho người dân ăn chơi, nhậu nhẹt, phát sinh nhiều vấn đề như tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội...

Từ chỗ chán cái “cũ”, những người có quan điểm này cảm thấy bị hấp dẫn bởi các cách thức ăn Tết “mới” theo xu hướng hiện đại. Tết với hình ảnh những người thân trong gia đình quây quần bên nhau đón giao thừa, cùng nhau đi chúc Tết, là bập bùng bếp lửa luộc bánh chưng, mùi hương trầm ngan ngát, hương cây mùi già... giờ đã bắt đầu trở thành câu chuyện cũ. Người Hà Nội bây giờ ít ai tự luộc bánh chưng ở nhà, nấu bằng bếp củi lại càng không. Những thứ mùi đặc trưng nhất của Tết giờ chỉ còn thấp thoáng trong những nếp nhà nệ cổ. Nhiều người giờ cũng ít hào hứng với việc mua thực phẩm về tự chế biến mà đặt mua đồ đã chế biến sẵn cho tiện. Cỗ bàn tết nhất vì thế có phần rảnh rang hơn. Và khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng, kể cả trong những ngày Tết, thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn.

Du lịch vào dịp Tết Nguyên đán khoảng mươi năm trước mới chỉ manh nha, giờ đây đã trở thành một xu thế. Rất nhiều người muốn tìm những trải nghiệm mới, ở những vùng đất lạ, thay vì một cái Tết theo “lối mòn”. Nhiều gia đình cúng tất niên sớm để chiều 30 cả gia đình cùng lên đường. Không còn cảnh quây quần đón giao thừa, cũng không còn những nụ cười, những cái bắt tay với họ hàng, người thân trong mấy ngày Tết. Có gia đình bố mẹ, con cái mỗi nhóm tổ chức một tour riêng, hẹn trở về gặp nhau vào... ngày hóa vàng. Những câu chúc được gửi qua điện thoại, tin nhắn hay Zalo, Facebook... nhiều hơn. Thậm chí giờ người ta cũng bớt áy náy khi ngày Tết không đến tận nhà thăm nhau. Việc ấy bây giờ hầu như chỉ gói gọn trong họ hàng thân thuộc. Không đến chúc Tết người ngoài cũng là một cách tránh cho họ khỏi phải bận lòng đi đáp lễ...

Giữ điều căn cốt

Chợ hoa Tết Hàng Lược. Ảnh: Khánh Hà

90 năm trước thi sĩ Tản Đà đã viết trên An Nam tạp chí rằng: "Năm xưa Tết nhất đã suông suồng/ Tết nhất năm nay lại quá tuồng/ Tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt/ Cờ vàng dấu đỏ, đế vương suông" (Tết tự thuật - Tản Đà). Tản Đà viết như thế nhưng chẳng phải vì chán Tết, chẳng qua cụ chán cái nghèo đeo đẳng buồn tủi hết năm này qua năm khác mà thôi. Thế mới nói, người ta chỉ chán Tết khi tâm họ đang có nhiều xáo động do thời cuộc, phân ly, thiếu thốn... Chứ, Tết với đại đa số người Việt vẫn là sự háo hức mong muốn tìm về. Bởi, về bản chất sâu xa, Tết là thời điểm thiêng liêng, giao hòa của vạn vật, là lúc con người sát lại gần nhau, để trân trọng, nâng niu, thắt chặt những mối quan hệ. Nếu không có Tết, trẻ con sẽ bớt đi những ngày háo hức, người già sẽ mất đi những khoảnh khắc khấp khởi mong cháu chờ con.

Có thể khẳng định, việc nêu lý do nghỉ Tết làm mất năng suất lao động là không có cơ sở. Việt Nam xuất phát điểm là một nước nông nghiệp, cho đến vài chục năm gần đây nông nghiệp vẫn chiếm trên 90% nền kinh tế, thì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là có nguyên do. Vì nền kinh tế dựa trên trụ cột nông nghiệp, mà nông nghiệp phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết nên Tết chỉ về khi đất trời chuyển mùa, se se lạnh, lất phất mưa phùn và nhất là thời điểm nông nhàn. Lúa mới đẻ nhánh, chưa phải cào cỏ, người nông dân tranh thủ nghỉ ngơi trước khi bước vào vụ mới. Khi ấy người ta mới có thời gian dành cho việc tâm linh, đi tảo mộ buổi chiều tháng Chạp, đi chợ phiên sắm Tết kèm đôi câu đối, rồi trang trí nhà cửa bằng những bức tranh, câu đối sắc vàng, đỏ đậm đà. Rồi "vật" lợn, "đụng" lợn, làm các thứ bánh để lâu được, một phần mang đi biếu ông bà, cha mẹ, một phần để nhà ăn dần trong mấy ngày Tết. Ăn Tết xong rồi chơi Tết, chơi đến tận giêng hai...

Đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, với một đất nước bắt đầu công nghiệp hóa như Việt Nam thì số người đi làm việc xa quê là rất lớn. Nhu cầu nghỉ Tết để về quê là chính đáng và không thể bỏ qua. Chính sự trở về của những đứa con xa nhà vào chiều 30 Tết là khoảnh khắc làm nên giá trị của Tết. Nhờ có Tết mà các mối quan hệ thân tình, bằng hữu trở nên thân thiết, gắn bó, đầm ấm hơn.

Một vấn đề nữa, Tết không phải là dịp tiêu xài hoang phí mà là cơ hội để kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Với tâm lý “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, trước đây nhiều người, nhiều gia đình đã cố gắng lo bằng được để ít nhất trong ba ngày Tết nếu không được ăn ngon cũng phải ăn no, hoặc có gì đó khác ngày thường. Còn ngày nay, dù có thiếu đến mấy người ta cũng cố gắng mua sắm cho gia đình cành đào, cây quất, cặp bánh chưng, những bữa cơm tươm tất, những bộ quần áo mới cho trẻ nhỏ... với ý nghĩ ngày Tết được ăn ngon, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ cả năm. Sự phát triển của các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ vào những ngày này cũng vì thế mà cho thu nhập lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế...

Tết còn mang trong mình nhiều nghi thức có giá trị giáo dục truyền thống, nhất là khoảnh khắc con cháu chăm chút, sửa sang lại phần mộ, dọn dẹp lại bàn thờ gia tiên. Tết còn là hy vọng khi gửi gắm vào đó ước mong một năm mới với nhiều đổi thay, tiến bộ... Quan trọng hơn, với tính liên kết văn hóa mạnh mẽ, Tết còn là dịp cố kết cộng đồng. Theo GS.TS. Vũ Anh Tuấn - nguyên giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Yếu tố quan trọng nhất của một xã hội là văn hóa. Trong đó đặc trưng nổi bật nhất của một nền văn hóa là ngày lễ. Đó là cách mà cộng đồng người cảm thấy mình thuộc về tập thể. Điều này được thừa hưởng từ các xã hội cổ đại khi những người trong cùng một cộng đồng sẽ có một số niềm tin chung và nghi thức tương ứng để gắn kết họ lại với nhau”.

Vun đắp giá trị tinh thần

Không có phong tục nào là bất biến. Và không thể phủ nhận, bản thân Tết Việt, cùng với thời gian, cũng đã đổi thay rất nhiều. Cuộc sống hôm nay cho người ta nhiều lựa chọn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình. Chơi Tết, du lịch Tết không làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc vì giá trị cốt lõi của Tết nằm trong chính nhận thức, cảm nhận và ứng xử của mỗi con người, trước thời khắc chuyển giao của một năm mới.

Chính vì thế, theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long: “Thay vì hô hào bỏ Tết truyền thống chúng ta hãy thay đổi cách ứng xử với Tết sao cho thật văn hóa, văn minh. Từng bước xóa những thói quen không hợp thời, vun đắp được những giá trị tinh thần thiết thực, tránh hao phí quá nhiều giá trị vật chất. Ngày Tết nên noi theo truyền thống ứng xử đúng mực, kính trên nhường dưới, đối xử hòa ái với nhau. Những hành động như uống rượu uống bia quá đà đến mức nhập viện rồi đánh chửi nhau, cần được loại bỏ.

Rồi “chơi Tết” cũng không nên thái quá, thậm chí nhiều nơi âm hưởng “ăn Tết”, “chơi Tết” kéo dài đến hết tháng Giêng cũng cần phải được chấn chỉnh. “Ăn Tết” nên điều độ để đảm bảo tái sản xuất sức lao động, không vì Tết mà bê tha mất sức sản xuất khi quay trở lại làm việc, học tập. Làm sao để Tết vẫn giữ được truyền thống nhưng cái truyền thống ấy không làm mất đi cái năng động, nghiêm minh, kỷ luật của nếp sống hiện đại. Có bỏ thì bỏ những điều không hay làm mất đi vẻ đẹp của Tết chứ không phải bỏ Tết”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

“Để những giá trị truyền thống của Tết không bị mai một hay biến mất, cần có sự trao truyền từ thế hệ trước cho những thế hệ sau. Khi bố mẹ làm điều đó, con cái sẽ thực hiện theo, rồi thế hệ tiếp theo cũng sẽ học các thế hệ trước của mình... Những tập quán mới sẽ hình thành, như vậy sẽ không sợ mất đi giá trị văn hóa ngày Tết”.

Nhà văn Đỗ Phấn:

“Xu thế chung là phải hội nhập, nhưng chúng ta mới nghĩ tới chiều hội nhập với phương Tây bằng ăn tết theo Tây lịch, mà chưa nghĩ rằng biết đâu người phương Tây sẽ tìm thấy rất nhiều thứ ở Tết Nguyên đán của ta. Cho nên hội nhập vẫn cứ hội nhập, nhưng giá trị nào tốt đẹp vẫn cứ phải giữ nguyên giá trị ấy, càng giữ nguyên giá trị và càng đẩy cao yếu tố văn hóa lên sẽ giúp ích cho rất nhiều mặt khác, như thu hút khách du lịch nước ngoài chẳng hạn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử hài hòa để vẹn tròn Tết Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.