(HNM) - Khi lãnh thổ cũng như tầm ảnh hưởng ở cả Iraq và Syria tiếp tục bị thu hẹp, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thay đổi hoạt động và trở thành tổ chức khủng bố xuyên quốc gia với những vụ tấn công đẫm máu ở khắp nơi trên thế giới
IS đã tiến hành nhiều vụ khủng bố đẫm máu, trong đó có vụ ở Nice (Pháp) ngày 14-7. |
Trong cuộc họp diễn ra tại bang Maryland, các Bộ trưởng Quốc phòng của liên minh chống IS đã nhất trí về kế hoạch tiêu diệt tổ chức khủng bố này tại Iraq và Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, các bên đã cam kết đẩy mạnh nỗ lực nhằm tiêu diệt lực lượng này. Bộ trưởng Quốc phòng các nước phương Tây và Arab cũng đã xây dựng một kế hoạch quân sự để giải phóng các thành phố tại Iraq và Syria với sự trợ giúp của lực lượng địa phương. Nước Anh, dù đang phải giải quyết những vấn đề hậu Brexit cũng thông báo sẽ tăng gấp đôi quân số tại Iraq. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ A.Carter cho biết thêm, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Hà Lan và Kuwait đã cam kết tài trợ hơn 2 tỷ USD cho Iraq nhằm trợ giúp người tản cư hồi hương và tái thiết đất nước.
Tại cuộc gặp với các đồng minh ở Washington diễn ra ngày 21-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo: IS đang tìm cách “biến đổi thành một tổ chức khủng bố toàn cầu”. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 2014 đến nay, IS mất gần 50% lãnh thổ mà chúng đã chiếm đóng ở Iraq và 20%-30% lãnh thổ chúng chiếm đóng tại Syria. Ngoại trưởng J.Kerry cho biết thêm, số tay súng của IS cũng giảm khoảng 1/3. Khi IS bị thu hẹp lãnh thổ, mục tiêu xây dựng đế chế Hồi giáo của nhóm này sẽ càng mờ mịt. Vì vậy, IS đang dần biến đổi để thích nghi với tình thế mới và ngày càng lộ rõ bộ mặt của một tổ chức khủng bố quốc tế. Trong một thay đổi đột ngột và đáng kể, Abu Muhammad al-Adnani, kẻ được cho là phát ngôn viên của IS, cho biết tổ chức này sẽ không chiến đấu vì "lãnh thổ". Song, không vì thế IS dễ dàng để mất quyền kiểm soát hai thành trì là Raqqa ở Syria và Mosul ở Iraq và nhóm này đang triển khai áp dụng chiến thuật du kích. Bằng chứng là IS đã kêu gọi những kẻ ủng hộ tấn công khủng bố ở nước ngoài. Các cuộc tấn công đẫm máu mới đây ở Nice (Pháp), Orlando (Mỹ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Dhaka (Bangladesh) và Baghdad (Iraq)... khiến hàng trăm người thiệt mạng. Một số vụ trực tiếp do IS tổ chức; một số vụ do những kẻ Hồi giáo cực đoan, chịu ảnh hưởng từ IS "đơn độc" thực hiện. Những vụ khủng bố xuyên biên giới liên tiếp nổ ra gần đây làm dấy lên lo ngại về các cuộc tấn công khủng bố. Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Mỹ Michael McCaul cho biết, từ năm 2014 đến nay đã có hơn 100 âm mưu khủng bố chống phương Tây có liên quan đến IS.
Vì vậy, tại cuộc gặp ở Washington, mong muốn của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry là tăng cường chia sẻ thông tin tình báo - trong bối cảnh IS chuyển hướng tấn công vào các khu vực bên ngoài lãnh thổ chiếm đóng ở Iraq và Syria - đã nhận được sự đồng tình của các Ngoại trưởng trong liên minh chống IS. Cùng với đó, ngày 22-7, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã gia nhập liên minh quốc tế chống IS để hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn chiến binh nước ngoài gia nhập tổ chức này. Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock cho biết: Interpol sẽ đóng vai trò "cầu nối" trong liên minh chống khủng bố. Việc chia sẻ thông tin qua Interpol đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi bảo đảm an ninh quốc gia. Ông J.Stock nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ lực lượng an ninh tuyến đầu cũng như năng lực của cảnh sát sở tại và tiếp cận các thông tin tình báo kịp thời để ngăn chặn các phần tử IS xâm nhập qua biên giới các nước.
Cuộc gặp tại Maryland và Washington của liên minh chống IS cho thấy, một một nền chính trị ổn định và một chính quyền đủ mạnh không chỉ tại Syria và Iraq luôn là phương thức tốt nhất cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Mỹ và các đồng minh càng không thể không ý thức rõ điều này khi IS đã đưa chiến tranh ra bên ngoài "lãnh thổ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.