(HNM) - Chỉ một ngày sau khi đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc bị điều chỉnh giảm lần thứ nhất (mức giảm 1,6%), tỷ giá VND/USD cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thay đổi.
Như vậy, "lời hứa" về việc tăng tỷ giá trong biên độ 2% của NHNN không thể thực hiện được khi đây là lần thứ 3 trong năm cơ quan này điều chỉnh tỷ giá. Điều mà nhiều người quan tâm là doanh nghiệp (DN) sẽ ứng phó với biến động tỷ giá, cả NDT và USD, như thế nào?
Áp lực tỷ giá vẫn còn
Ngày 12-8, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Khác với những lần tăng giá USD các năm trước, việc NHNN thay đổi tỷ giá lần này lại liên quan đến những vấn đề khách quan. Lần thứ 3 này, đồng USD lại có thêm một lần được tăng vị thế trước sức ép từ việc giảm giá đồng NDT của Trung Quốc, với mức giảm trong cả 2 lần (ngày 11 và 12-8) lên tới hơn 3,5%. Sự giảm giá đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến hàng loạt đồng tiền Châu Á chủ chốt khác, cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm.
Giao dịch ngoại tệ tại Vietcombank.Ảnh: Kỳ Anh |
Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, bảo đảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, NHNN đã "nới" biên độ tỷ giá giữa VND và USD từ +/-1% lên +/-2%.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đắt đỏ hơn, nhưng bất lợi đó phần nào đã được xử lý bằng việc NHNN nới biên độ tỷ giá. Việc "ứng phó" nhanh chóng này của NHNN về việc nới biên độ tỷ giá đã chứng tỏ tỷ giá chịu áp lực rất lớn. Tuy nhiên, việc tăng giá đồng USD thời điểm này sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu sang các thị trường khác. Vậy, tỷ giá có bị điều chỉnh nữa không? TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, áp lực về tỷ giá không mất đi. Thời điểm này, NHNN đã trung hòa phần nào áp lực của tỷ giá, nhưng với tình hình vĩ mô như hiện nay (nhập siêu, nợ công tăng, hàng hóa xuất khẩu không những khó tại thị trường Trung Quốc mà cả thị trường khác, đặc biệt là hàng thủy, hải sản), áp lực về tỷ giá vẫn còn, mặc dù hiện áp lực đó đã giảm.
Ảnh hưởng tới doanh nghiệp
Sự biến động của giá USD, cũng như NDT chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ cho các DN, nhất là những DN có quan hệ với bạn hàng ở Trung Quốc. Ông Tạ Nam Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Hóa chất Việt Hồng cho biết, vấn đề thay đổi tỷ giá của đồng NDT và USD, cũng như với một số đồng tiền mạnh khác cũng mới xảy ra, chưa thể đánh giá hết tác động, ảnh hưởng của nó đối với hoạt động xuất nhập khẩu đối với DN trong nước; khoảng nửa tháng nữa sẽ diễn biến rõ hơn và có thể phân tích sâu hơn.
Tuy nhiên, việc đồng NDT mất giá sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và có thể những DN nào tận dụng được cơ hội này mua hàng từ Trung Quốc rồi xuất khẩu cũng sẽ thu được lợi nhuận. Còn theo bà Nghiêm Thị Xuân Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vision Vietnam, sự thay đổi về tỷ giá giữa NDT và USD là diễn biến có tác động rất rộng, có ý nghĩa toàn cầu bởi đây là hai nền kinh tế có tầm quan trọng và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế quốc tế. Hầu hết các DN đều ít nhiều chịu tác động từ vấn đề này. Nhưng, với giới DN quy mô nhỏ và vừa sẽ có cách ứng phó theo hướng linh hoạt hơn, tùy theo hoàn cảnh, điểm mạnh, yếu của mình, không thể có cách giải quyết chung.
Với các DN thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, sự biến động tỷ giá đã khiến DN thêm khó khăn. Ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bigsun nhận định, chúng tôi là đơn vị thường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ bạn hàng Trung Quốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh thành phẩm. Trong hoàn cảnh biến động tỷ giá của NDT hiện nay, việc nhập khẩu đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực, làm công ty giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục nhập khẩu vì như vậy mới có thể duy trì được sản xuất, mặc dù làm như vậy chỉ thu về lợi nhuận "mỏng" hơn so với trước đây. Ngược lại, tình hình hiện tại đang có lợi cho hoạt động xuất khẩu...
Cho dù là yếu tố khách quan hay chủ quan, những thay đổi liên tục của các loại tiền tệ sẽ khiến nhiều DN phải đau đầu với bài toán để bù đắp những biến động của tỷ giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.