Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó thiên tai: Cần tăng khả năng dự báo

Lương Ninh Giang| 04/05/2013 07:47

(HNM) - Thời tiết những năm gần đây ngày càng diễn biến bất thường, gây tổn thất nghiêm trọng cho đời sống kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngoài hướng dẫn cho người dân biện pháp nhận biết và tự phòng tránh, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đánh giá được nguy cơ thiên tai; nâng cao năng lực và lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH phù hợp với điều kiện của các vùng, miền…

Thời tiết ngày càng khó lường

Các trận mưa đá diễn ra liên tục cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua tại Lào Cai được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay. Các hạt mưa đá có đường kính phổ biến 4-6cm, nhiều hạt trên 10cm, trải rộng trên nhiều địa phương, nên đã gây thiệt hại đáng kể. Mưa đá còn xuất hiện tại nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La… Tiếp đó, liên tiếp trong vài ngày qua, các trận lốc tố và mưa giông cường độ lớn xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía bắc - đặc biệt nghiêm trọng là tại Lào Cai, Cao Bằng - đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân.

Mưa đá phá hỏng nhà cửa của người dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: Thanh Hồng



Tình hình hạn hán, thiếu nước cũng đang diễn biến căng thẳng tại các vùng cửa sông, ven biển khu vực Tây Nguyên và Nam bộ suốt 3 tháng qua. Hạn hán ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng thiếu hụt dòng chảy đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ trên các sông mà ngay cả các hồ thủy lợi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Mực nước trên một số sông khu vực Tây Nguyên thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ. Đây chính là hậu quả của BĐKH khiến cho các hiện tượng thời tiết dị thường, cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trung ương, trong năm 2013, có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông (cao hơn trung bình nhiều năm), trong đó, có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Trong mùa mưa bão, tình hình thời tiết, thủy văn trên cả nước sẽ diễn biến phức tạp. Các địa phương cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại miền núi Bắc bộ và Tây Nguyên.

Phải tư duy về rủi ro để tìm sinh kế phù hợp

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Tuy nhiên, dường như khâu dự báo, cảnh báo và ứng phó của các cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Như các trận mưa đá trên diện rộng vừa qua, cơ quan KTTV đã không dự báo kịp thời. Chỉ sau vài cơn mưa đá đầu tiên, cơ quan chức năng mới hướng dẫn người dân cách nhận biết để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, nhằm hạn chế thiệt hại thì phải tăng khả năng ứng phó với BĐKH. Thế nhưng nội dung, phương thức ứng phó với BĐKH của Việt Nam còn nhiều bất cập. Đến nay chưa có tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách về ứng phó BĐKH ở các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ở những lĩnh vực, địa bàn dễ tổn thương trước tác động của BĐKH. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư để ứng phó với BĐKH trên cơ sở mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và xã hội. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước, khai thác nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dù đã được quan tâm nhưng việc đầu tư cho phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống mạng lưới trạm KTTV, giám sát khí hậu còn thiếu; khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, thời gian dự báo còn ngắn hạn, độ chính xác chưa cao. Công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai mới tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà ít chú trọng đến chủ động phòng tránh.

Ông Neefjes Koos (cố vấn chính sách về BĐKH của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có lịch sử ứng phó với thiên tai rất dài. Câu hỏi ở đây là chúng ta cần làm gì với những gì đã biết? Đó là phải tạo ra cấu trúc cộng đồng để cảnh báo dân chúng sớm hơn, khôi phục cuộc sống sau thảm họa nhanh hơn. Tức là phải tư duy về những rủi ro, nghiên cứu phương án sinh kế phù hợp để đưa ra lời khuyên thích hợp cho người dân; sử dụng khoản vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài hợp lý hơn. Dùng hỗ trợ tài chính quốc tế cho việc áp dụng công nghệ mới, qua đó tăng cường năng lực chuyên môn, triển khai các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó thiên tai: Cần tăng khả năng dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.