Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó kịp thời

Thiện Mỹ| 17/11/2021 06:08

(HNM) - Năm 2021, dù bị dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, song kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Trong đó, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Chỉ số này cho phép dự báo, mức lạm phát năm 2021 sẽ bảo đảm được chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường thời gian gần đây đặt ra những mối lo lớn. Đó là một số mặt hàng đang tiếp tục đà tăng giá, như: Rau xanh, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu của nhiều ngành sản xuất... Đặc biệt, xăng dầu liên tiếp xác lập mức giá cao kỷ lục kéo theo nguy cơ đội giá của hàng loạt mặt hàng tiêu dùng và gia tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành, đặc biệt là giao thông, xây dựng...

Đáng nói, việc giá xăng dầu đi lên chưa có dấu hiệu dừng lại bởi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới tăng mạnh khi kinh tế đang phục hồi; một số quốc gia đẩy mạnh dự trữ xăng dầu; lạm phát của nhiều nước ở mức cao... Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên nguy cơ lạm phát cũng tăng theo.

Song, thực tế cũng đã chứng minh, nhờ sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, nền kinh tế đang đi đúng hướng. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ sở cho sự phục hồi. Đó là việc dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên phạm vi cả nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2021 tăng 1,1% so với năm 2020; theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm nay sẽ vượt 600 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ...

Để kiểm soát lạm phát năm 2021 dưới ngưỡng 4% cũng như giảm thiểu các nguy cơ đẩy CPI tăng trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường, tình hình lạm phát trên thế giới để cân đối với tình hình trong nước. Với mặt hàng thiết yếu, quan trọng như xăng dầu, cần được đánh giá, dự báo chính xác về cung - cầu trong nước và quốc tế, phát huy cao nhất khả năng tự đáp ứng từ nguồn cung trong nước, để cấp thẩm quyền có chính sách ứng phó kịp thời, hiệu quả. Việc điều hành giá xăng dầu cần có sự điều chỉnh phù hợp với các chính sách khác để chủ động kiềm chế mức tăng CPI.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, qua đó bình ổn thị trường, làm giảm áp lực lạm phát.

Dịch bệnh sẽ tiếp diễn khó lường, do đó, những gói kích thích kinh tế đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi cao, có tác dụng dẫn dắt, kích hoạt các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, cơ quan chức năng cần thông tin chính xác, rõ ràng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, không để thông tin thất thiệt lan truyền, làm tăng nguy cơ lạm phát...

Thời gian tới, lạm phát vẫn là một “ẩn số” đầy thách thức. Do đó, chỉ bằng cách ứng phó chủ động, linh hoạt, kịp thời, từ cấp độ vĩ mô đến từng địa phương, doanh nghiệp mới khống chế được nguy cơ lạm phát, giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.