Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó bão số 3: Không để bị động, bất ngờ

Kim Văn - Phương Nhi| 19/08/2016 06:47

(HNM) - Bão số 3 có tên quốc tế là Dianmu đang đổ bộ vào Việt Nam, được dự báo là cơn bão ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển, nguy cơ ngập lụt ở đồng bằng, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.



Chiều 18-8, do ảnh hưởng của bão, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đã có mưa to...

Ứng phó với cơn bão, Thủ tướng Chính phủ đã phân công ba Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương. Mục tiêu cao nhất là không bị động, bất ngờ, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước.

Cây đổ do mưa lớn trên phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) tối 18-8. Ảnh: Khánh Huy


Diễn biến bão phức tạp

Ngày 18-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, ngày 19-8, tâm bão số 3 sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Thanh Hóa, sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 đến cấp 14. Dự kiến sau khi đổ bộ đất liền, bão số 3 có khả năng đi qua các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội... gây mưa to trên diện rộng với lượng mưa 200-300mm, có nơi tới 400mm. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nhiều khả năng bị ngập úng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là cơn bão có diễn biến rất phức tạp, dự báo phạm vi ảnh hưởng khoảng 200km từ Bắc Trung Bộ ra các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, các địa phương cần phải chuẩn bị phương án ứng phó kỹ lưỡng, khẩn trương, đặc biệt chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”… nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Ba Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống bão

Ngày 18-8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1478/CĐ-TTg yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão. Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo tại Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, chỉ đạo tại Ninh Bình và Thanh Hóa.

Chiều 18-8, làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Trung tâm phải liên kết với các nước, đưa ra dự báo chính xác nhất, kèm những khuyến cáo về thiệt hại do bão gây ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phải dự báo thống nhất và thông tin đến các ngành, người dân là bão cấp độ lớn, giật cấp 12-13, thậm chí 14, càng vào sâu bão càng cao. Cho nên nếu bão lớn, triều cường cao, cần thiết phải di dời dân để dân tập trung ổn định hơn”. Rút kinh nghiệm từ bão số 2, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An tập trung cao độ chỉ đạo phòng, chống bão, các tỉnh phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải có phương án cụ thể để ứng phó.

Mục tiêu cao nhất trong ứng phó bão số 3 là không bị động, bất ngờ, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước; Các tỉnh, thành phố phải thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến của bão, mưa, lũ sau bão, đồng thời cương quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, vùng trũng thấp; kiểm tra an toàn hồ đập...

Theo báo cáo ban đầu, ngày 18-8, tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã có mưa dông, gây ngập cục bộ tại một số khu vực. Các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… đã phát lệnh cấm tất cả tàu thuyền ra khơi. Các tỉnh miền núi phía Bắc đã thông báo đến các cấp chính quyền, thôn, bản và người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất để người dân chủ động phòng tránh.

Hà Nội đã có mưa lớn

Tại Hà Nội, từ 18h30 chiều 18-8 bắt đầu có mưa lớn, lượng mưa bình quân đo được khoảng 80mm. Trận mưa gây gãy, đổ một số cây xanh, một loạt tuyến đường, phố như Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, đầu cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Văn Phú... bị ngập 0,2-0,3m. Ứng phó với bão số 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trực 24/24 giờ, bảo đảm sẵn sàng phương tiện, máy móc, giải quyết thoát nước.

Theo dự báo, đêm 19-8 và rạng 20-8, tại Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa lớn 200mm. Ngày 18-8, UBND TP Hà Nội đã có Công điện số 06/CĐ-UBND yêu cầu các quận, huyện, thị xã, sở, ngành liên quan khẩn trương tiêu thoát nước nội đồng, sẵn sàng tiêu thoát nước đô thị; kiểm tra kiểm soát an toàn đê điều, hồ đập; bảo đảm giao thông, nhất là khu vực nội đô, các đường giao thông huyết mạch và các điểm thường xảy ra úng ngập, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó bão số 3: Không để bị động, bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.