(HNM) - Với diện tích đất nông nghiệp hơn 10.000ha, huyện Ứng Hòa đang mở hướng đột phá trong sản xuất, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại và bền vững. Theo đó, ưu tiên phát triển các mô hình theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu...
Thời gian qua, huyện Ứng Hòa tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là mô hình nuôi gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao của hộ ông Đoàn Văn Mười, ở xã Đông Lỗ. Trên diện tích trang trại rộng 1,1ha, ông Mười đầu tư 3.000m2 chuồng gà khép kín, sử dụng hệ thống làm mát bằng nước, lưu thông không khí tuần hoàn, thông thoáng. Cùng với đó là sử dụng men vi sinh trong thức ăn và xử lý phân gà, nên chuồng trại không có mùi hôi, đàn gà phát triển tốt, cho nguồn trứng ổn định và chất lượng.
"Trang trại của gia đình tôi có 16.000 gà đẻ, 5.000 gà hậu bị. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi nên đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Từ cách làm hiệu quả này, tôi cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ khác trong xã và huyện" - ông Mười nói thêm.
Tương tự, tại xã Sơn Công, gia đình anh Đinh Minh Tiến đã đầu tư hơn 3.600m2 nhà kính, nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, thu nhập mỗi vụ lên tới hàng trăm triệu đồng... Hiện tại, huyện Ứng Hòa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại năng suất, chất lượng cao, như mô hình chăn nuôi lợn an toàn của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ; trồng dưa trong nhà kính ở các xã Phù Lưu, Hồng Quang; trồng măng tây hữu cơ tại xã Sơn Công; nuôi cá sông trong ao tại các xã Liên Bạt, Trầm Lộng...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, nông nghiệp của huyện đang phát triển tương đối toàn diện, theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ cao, gắn với thị trường, liên kết chuỗi; hình thành rõ các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, vùng thủy sản kết hợp chăn nuôi, vùng sản xuất cây ăn quả…
Nhằm giúp hội viên có điều kiện để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh công tác tín chấp, giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hiện tổng dư nợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân là 47,88 tỷ đồng, với 132 dự án, cho 1.761 hộ vay; dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 50,7 tỷ đồng, cho 72 tổ nhóm với 684 hộ vay; dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 212,63 tỷ đồng, cho 4.528 hộ nông dân vay ở 135 tổ tiết kiệm vay vốn.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công Vũ Đức Hiệp, mặc dù sản xuất nông nghiệp của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, song việc hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như cơ sở sơ chế rau, củ, quả; sơ chế trứng gia cầm; kho lạnh bảo quản giống, rau, củ, hoa, quả, thịt, cá, trứng… vẫn chưa thỏa đáng.
Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công) Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay, việc hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết cũng chưa thực hiện được.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, để thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, huyện đã đề nghị thành phố xem xét, miễn từ 3 đến 5 năm tiền thuế, tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ 100% kinh phí kiên cố hóa kênh mương. Đồng thời, huyện cũng giao chỉ tiêu hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.